'Cú hích' từ hạ tầng và cảng biển đưa Cần Giờ vào tầm ngắm của giới đầu tư

Từng là vùng ven biệt lập của Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Giờ đang 'lột xác' nhờ dòng vốn đầu tư đổ vào hạ tầng và các siêu dự án tỷ đô. Đặc biệt, 'cú hích' từ hạ tầng và cảng biển đang đưa Cần Giờ vào tầm ngắm của giới đầu tư. Dù vậy, theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường bất động sản nơi đây chỉ thực sự phát huy trong dài hạn.

Bất động sản Cần Giờ vào tầm ngắm của giới đầu tư.

Bất động sản Cần Giờ vào tầm ngắm của giới đầu tư.

Hạ tầng bứt phá – Đòn bẩy thay đổi diện mạo Cần Giờ

Tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 113.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), đây được xem là một trong những dự án hạ tầng hàng hải quy mô nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Dự kiến triển khai tại khu vực Cù lao Gò Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cảng sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 571 ha, có khả năng tiếp nhận các tàu container siêu trọng tải lên đến 250.000 DWT, góp phần giảm tải cho các cảng hiện hữu như Cát Lái và Hiệp Phước, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm logistics quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu tại Savills Việt Nam, cảng trung chuyển quốc tế không chỉ là cú hích chiến lược về hạ tầng mà còn đóng vai trò định hình lại dòng vốn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế biển và chuỗi logistics. Đây sẽ là nền móng để hình thành hành lang phát triển cho các doanh nghiệp vận tải và logistics, mở rộng tiềm năng liên kết vùng.

Không chỉ cảng biển, hạ tầng giao thông đường bộ cũng đang được chú trọng đầu tư để phá vỡ thế “cô lập địa lý” vốn tồn tại lâu nay của Cần Giờ. Trong đó, dự án cầu Cần Giờ - thay thế hoàn toàn phà Bình Khánh - được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh xuống còn chưa đầy một giờ.

Song song đó, tuyến đường Rừng Sác đang được đề xuất nâng cấp, kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành và các quy hoạch đường sắt cao tốc liên vùng cũng đang được triển khai, mở ra cánh cửa kết nối mới cho toàn khu vực.

Trong đó, các dự án giao thông như cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác hay cao tốc Bến Lức – Long Thành là yếu tố mang tính quyết định, giúp xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian giữa Cần Giờ với các khu vực phát triển năng động khác của TP. Hồ Chí Minh.

Một số tập đoàn lớn trong nước đã sớm “đón đầu” xu hướng này. Đơn cử, ngày 19/4 vừa qua, Tập đoàn Vingroup (chủ đầu tư) khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển với tổng diện tích 2.870ha. Dự án nằm tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải đánh giá dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai phát triển của Thành phố.

Dự án sẽ trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch quốc tế, đúng theo định hướng của Thành phố. Đồng thời tạo ra hàng chục nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ - thương mại, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng sống cho người dân; thúc đẩy phát triển khu đô thị sinh thái cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực ven biển Long Hòa – Lý Nhơn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, logistics và bất động sản nghỉ dưỡng cùng đang chờ thời điểm hạ tầng hoàn chỉnh để đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân cũng bắt đầu “rục rịch” quay lại thị trường Cần Giờ sau thời gian dài chững lại.

Tuy nhiên, thay vì đầu cơ diện rộng như trước, xu hướng hiện nay là lựa chọn vị trí kỹ lưỡng, đầu tư theo mô hình sinh thái, nghỉ dưỡng nhỏ quy mô vừa và nhỏ để đón đầu làn sóng dịch chuyển dân cư và du lịch trong tương lai.

Thị trường sôi động nhưng không dành cho đầu tư lướt sóng

Sức hút từ các thông tin quy hoạch đã nhanh chóng thổi bùng làn sóng đầu tư vào bất động sản Cần Giờ. Kể từ giữa năm 2024, giá đất nền tại một số xã như Long Hòa, Bình Khánh, Lý Nhơn đã ghi nhận mức tăng đáng kể, kéo theo thanh khoản thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo đây không phải là thị trường dành cho nhà đầu tư ngắn hạn.

Theo bà Hương, Cần Giờ vẫn chưa đủ điều kiện để hình thành nhu cầu ở thực rõ nét, do hạ tầng tiện ích xã hội và kết nối vùng chưa hoàn thiện. Những lợi thế như hệ sinh thái rừng ngập mặn, đường bờ biển dài hay tiềm năng phát triển du lịch – nghỉ dưỡng sẽ chỉ thực sự phát huy nếu được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, bền vững.

Savills khuyến nghị nhà đầu tư cần có tầm nhìn trung – dài hạn với thị trường này, nhất là khi các yếu tố nền tảng như cảng biển, hạ tầng giao thông và chuỗi cung ứng logistics vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và hình thành.

Mặc khác, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang dần tái cấu trúc theo hướng chọn lọc, ưu tiên giá trị thực và phát triển bền vững, Cần Giờ nổi lên như một “ẩn số chiến lược” cho tương lai. Không chỉ đóng vai trò là không gian dự trữ phát triển đô thị, khu vực này còn có thể trở thành “trục xanh” sinh thái và logistics quan trọng của TP. Hồ Chí Minh trong thập kỷ tới.

Song theo các chuyên gia, điều quan trọng là sự phát triển phải đồng bộ từ bất động sản, tiện ích xã hội đến cơ sở tạo việc làm như cảng biển hay khu công nghiệp. Nếu mọi yếu tố được triển khai đúng thời điểm và cách thức, chúng ta tin rằng Cần Giờ sẽ mang lại giá trị vượt kỳ vọng, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho sự phát triển tổng thể của TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cu-hich-tu-ha-tang-va-cang-bien-dua-can-gio-vao-tam-ngam-cua-gioi-dau-tu.html
Zalo