'Cú hích' từ chính sách đặc thù

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng là bước đi có ý nghĩa chiến lược. Không chỉ kế thừa kinh nghiệm từ các mô hình đặc thù trước đó, Nghị quyết mới được đánh giá là 'cú hích' để Hải Phòng chuyển mình từ 'TP Cảng' thành một trung tâm thương mại tự do, logistics, công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực.

Khu thương mại tự do với loạt “siêu” ưu đãi

Ngày 27/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng (Nghị quyết 226), đưa ra 6 nhóm chính sách đặc thù cho Hải Phòng, gồm: Quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ chế ưu đãi về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; Thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu thương mại tự do (Khu TMTD) thành phố.

Cảng Hải Phòng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hồng Phong.

Cảng Hải Phòng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hồng Phong.

Điểm đáng chú ý nhất, lần đầu tiên, một Khu TMTD được phép thành lập tại TP Cảng, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao và nhân lực trình độ cao. Cụ thể, UBND TP Hải Phòng quyết định thành lập, điều chỉnh ranh giới Khu TMTD gắn với KKT Đình Vũ - Cát Hải và KKT ven biển phía Nam Hải Phòng. Ban Quản lý KKT Hải Phòng trực tiếp quản lý Khu TMTD, cung ứng dịch vụ hành chính công và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Về cơ chế, chính sách trong Khu TMTD, Nghị quyết quy định: Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế trong Khu TMTD không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Không chỉ vậy, khu TMTD được hưởng nhiều chính sách ưu việt khác như: Doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu tiên về hải quan, được miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực. Doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên (bán dẫn, công nghệ cao...) được áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Không chỉ cho phép miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm, Nghị quyết 226 cũng quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao làm việc tại Khu TMTD. Những chính sách đãi ngộ vượt trội, theo đánh giá của các chuyên gia, là một cách “trải thảm đỏ” để thu hút nguồn lực chất xám, phục vụ cho các ngành mũi nhọn.

Cùng với Hải Phòng, hiện nay, một số địa phương trên cả nước đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội, gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Cần Thơ…

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng nhận định: Các chính sách tại Khu TMTD là điểm nhấn khác biệt và mang tính đột phá. Các chính sách tiếp cận theo thông lệ quốc tế: Áp dụng chế độ đầu tư đặc biệt với dự án ưu tiên, giao đất không qua đấu giá, cho phép sử dụng ngoại tệ, được chuyển khẩu hàng hóa và thực hiện thủ tục hải quan theo mô hình “Một khai báo – Một kiểm tra – Một phê duyệt”… Không chỉ tạo ra một “cực tăng trưởng” tiên phong của thành phố, các chính sách giúp thu hút mạnh mẽ tập đoàn logistics, công nghệ cao... và lan tỏa động lực phát triển ra toàn vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước.

Linh hoạt điều tiết ngân sách

Ngoài cơ chế ưu việt cho Khu TMTD, Nghị quyết 226 còn trao cho Hải Phòng thẩm quyền quản lý đầu tư, tài chính và ngân sách đặc thù.

Thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng: Có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Hải Phòng cũng được thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vốn vào các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và được bán nhà chung cư thuộc tài sản công do thành phố xây dựng từ ngân sách nhà nước, hoặc theo hình thức hợp đồng BT hình thành từ sau ngày 31/12/1994 đến trước ngày 1/1/2025.

Giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng cho rằng các cơ chế, chính sách ưu việt trên không chỉ nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, rút ngắn quy trình xử lý công việc, giúp môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Phòng trở nên thông thoáng và đặc biệt giải quyết căn cơ những “điểm nghẽn” hiện hành.

Thời cơ mới - Vận hội mới

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, các chính sách trong Nghị quyết được thiết kế linh hoạt, bảo đảm tính thích ứng với quy mô mới, mở ra không gian trong dài hạn.

Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng là 5 năm. Riêng đối với các chính sách cốt lõi về Khu TMTD được thí điểm trong 10 năm, điều chưa từng có tiền lệ.

Trao đổi với báo chí, Trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên đánh giá: “Nghị quyết 226 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, đúng thời điểm TP Hải Phòng mới chính thức vận hành. Đặc biệt, ngày 15-18/7 tới đây, chúng ta sẽ đón “cơ hội vàng” khi 21 nền kinh tế lớn xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng, một trong chuỗi hoạt động của Kỳ họp lần thứ ba - Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3). Với những cơ chế, chính sách tại Khu TMTD, kỳ vọng qua hội nghị, Hải Phòng tiếp tục tạo đột phá mới, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước”.

Tại kỳ họp HĐND trong ngày đầu tiên vận hành mô hình mới sau sáp nhập, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị HĐND thành phố, UBND thành phố kịp thời thể chế hóa, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù - “đòn bẩy vàng” - để phát triển thành phố.

Ông Châu cho rằng lịch sử đã trao cho Hải Phòng “Thời cơ mới - Vận hội mới”. Dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hải Phòng tin tưởng rằng đây chính là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng về một thành phố cảng biển quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng:

“Minh bạch, công khai Quỹ đầu tư mạo hiểm”

Quỹ đầu tư mạo hiểm được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ sẽ có bộ máy điều hành độc lập, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, công khai, có kiểm toán định kỳ, dưới sự giám sát của Sở Tài chính và các cơ quan liên quan. Quốc hội cho phép miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng vốn từ Quỹ để đầu tư vào các dự án đủ quy trình nhưng có thiệt hại do nguyên nhân khách quan.

ĐBQH Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh):

“Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước khi thu hồi đất xen kẹt”

Theo Nghị quyết, Hải Phòng được phép thu hồi các thửa đất nhỏ hẹp do tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng, nằm xen kẹt trong khu dân cư nhằm tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất vào mục đích phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ. Quy định này sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập trên thực tế, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất để triển khai các dự án. Tuy nhiên, là một chính sách mới có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, tôi đề nghị cần phải xác định rõ tiêu chí và xử lý quyền lợi của người dân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân, của tập thể và của Nhà nước.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cu-hich-tu-chinh-sach-dac-thu-10309519.html
Zalo