Cú hích ngàn tỉ từ trái phiếu xanh

Nhiều doanh nghiệp Việt đã phát hành thành công trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế với giá trị hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn lực từ trái phiếu xanh sẽ được đầu tư mạnh mẽ cho các dự án kinh doanh xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, đặc biệt xuất khẩu xanh.

Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong bối cảnh “xanh hóa kinh doanh” đang trở thành nền tảng chủ lực để hướng tới hành trình bền vững hơn.

Sức hấp dẫn

Vào đầu tháng 7, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đã đầu tư 75 triệu USD vào trái phiếu xanh do Ngân hàng SeABank phát hành.

“Khoản đầu tư trị giá 75 triệu USD của AIIB cho dự án trái phiếu xanh lam và xanh lá của SeABank sẽ giúp ngân hàng này củng cố thêm nguồn vốn hướng tới mở rộng tài trợ cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn liền với biển và nước.

Đồng thời nguồn vốn này giúp tăng trưởng các tài sản xanh. Đơn cử như tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn theo chủ đề”, ông Gregory Liu, Tổng Giám đốc phụ trách Quỹ và định chế tài chính toàn cầu AIIB cho biết.

 Nhiều ngân hàng Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu xanh cho các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn này sẽ giúp doanh nghiệp Việt xanh hóa quá trình kinh doanh của mình, giúp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu xanh cho các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn này sẽ giúp doanh nghiệp Việt xanh hóa quá trình kinh doanh của mình, giúp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng BIDV cho biết, năm 2023, ngân hàng đã phát hành công trái phiếu xanh với tổng giá trị là 2.500 tỉ đồng. Toàn bộ nguồn lực này dùng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

"Để có thể phát hành thành công trái phiếu xanh, BIDV mất thời gian 2 năm để xây dựng các khung trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Sơn nói.

Những tín hiệu tốt

Thực tế, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam cũng rất sôi động. UBND TP.HCM và UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là những tổ chức phát hành trái phiếu xanh đầu tiên với tổng quy mô 603,5 tỉ đồng vào năm 2016.

Trong các năm gần đây từ giai đoạn 2021-2022, nhiều công ty Việt Nam cũng đã thành công phát hành trái phiếu xanh. Chẳng hạn, năm 2022, Công ty Tài chính điện lực (EVN Finance) đã phát hành được trái phiếu xanh với trị giá 1.725 tỉ đồng, hay năm 2021 là BIM Land (200 triệu đô la Mỹ) và Vinpearl (425 triệu đô la Mỹ).

Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu xanh. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát hành trái phiếu xanh.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam, cũng như việc phân bổ số tiền thu được từ trái phiếu cho các dự án xanh đủ điều kiện đều là những tín hiệu tốt.

Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho thấy, nếu tận dụng thành công trái phiếu xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, cứ 1 triệu đô la Mỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư năng lượng hóa thạch. Ngoài ra tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Tận dụng tốt trái phiếu xanh để xanh hóa nền kinh tế

Theo tiến sĩ Huy, hiện tại, cách tiếp cận kinh tế xanh phổ biến nhất là thông qua thị trường bù đắp carbon và các công ty có thể mua bù đắp carbon để đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang bị chỉ trích vì những doanh nghiệp hoặc quốc gia giàu có thể dễ dàng bù đắp lượng khí thải CO2 của họ. Trong khi đó, tác động lâu dài đến môi trường không được đảm bảo vì các dự án được tài trợ bằng số tiền chi tiêu cho các khoản bù đắp carbon này có thể không hiệu quả.

Do đó, cần có một cơ chế đảm bảo rằng các công ty không chỉ mua lượng carbon bù đắp mà còn phải nỗ lực thực sự để giảm lượng khí thải CO2 của họ.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát hành trái phiếu xanh cũng là cơ chế giám sát hiệu quả cho việc thực hành kinh tế xanh của các doanh nghiệp.

Vì để có thể phát hành thành công trái phiếu xanh. Các doanh nghiệp phải tuân thủ rất nhiều quy định tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tác động tích cực đến từng bộ phận trong công ty.

Chưa kể, trái phiếu xanh giúp doanh nghiệp huy động một lượng lớn vốn để đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Có thể kể đến như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hiệu quả năng lượng.

 Việc phát hành trái phiếu xanh cũng là cơ chế giám sát hiệu quả cho việc thực hành kinh tế xanh của các doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Việc phát hành trái phiếu xanh cũng là cơ chế giám sát hiệu quả cho việc thực hành kinh tế xanh của các doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Việc phát hành trái phiếu xanh cho thấy doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề môi trường và xã hội, từ đó xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt công chúng, nhà đầu tư và đối tác.

Điều này có thể nhìn thấy rõ qua việc, trước đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã cung cấp khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD cho một ngân hàng Việt Nam để xây dựng một thị trường tài chính xanh lam. Đồng thời giúp đẩy mạnh trái phiếu xanh lá và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Ngoài ra, IFC đã tư vấn cho ngân hàng này áp dụng các khung trái phiếu xanh lá và xanh lam. Xác định các tài sản xanh lá và xanh lam đủ điều kiện tài trợ cũng như xây dựng danh mục các dự án tiềm năng.

“Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư tư nhân. Do đó việc triển khai các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh lam và trái phiếu xanh lá sẽ mang lại nguồn vốn mới cho các dự án này”, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam cho biết.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ hội phát triển thị trường vốn xanh, trong đó có trái phiếu xanh là rất lớn tại Việt Nam với tổng giá trị ước tính là 368 tỉ đô la Mỹ cho giai đoạn đến năm 2040.

Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn tài chính xanh này thì UBCKNN đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao tính minh bạch liên quan đến phát triển bền vững, công cụ tài chính xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh.

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, việc phát hành trái phiếu xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền như sớm ban hành quy định phân loại và xác định dự án xanh. Qua đó, xem xét tương đồng các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật.

 Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát hành trái phiếu xanh. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát hành trái phiếu xanh. Ảnh: PHƯƠNG MINH

“Để phát hành thành công trái phiếu xanh thì doanh nghiệp nên xem vấn đề này là một cấu phần nằm trong chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Lựa chọn sản phẩm trái phiếu phù hợp với đặc điểm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tại từng giai đoạn phát triển. Cần có tham vấn kênh tư vấn tài chính chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát hành hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, phải đảm bảo nguồn vốn từ trái phiếu xanh phải được tuân thủ các cam kết và trách nhiệm với nhà đầu tư, cũng như sử dụng đúng mục đích cho dự án xanh”, ông Sơn khuyến nghị.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-hich-ngan-ti-tu-trai-phieu-xanh-post803340.html
Zalo