Cú hích giúp doanh nghiệp phát triển
Từ ngày 20-4-2025, Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện 'Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025' chính thức có hiệu lực. Chính sách được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, niềm vui ấy xen lẫn băn khoăn: Liệu chính sách này có thật sự chạm đến họ?
Thực tế lâu nay, chúng ta không thiếu chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ, việc tiếp cận các chương trình đó thường gặp khó khăn bởi yêu cầu thủ tục phức tạp, điều kiện khắt khe, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lại thiếu nguồn lực và đội ngũ chuyên trách để đáp ứng.

Cú hích giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn
Một trong những kỳ vọng lớn từ Thông tư 09 là hướng đến phát triển kinh doanh bền vững, tức không chỉ tăng trưởng về mặt doanh thu mà còn gắn với tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị. Đây là định hướng đúng và cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế đồng hành cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo từng bước thì “bền vững” sẽ vẫn là một khái niệm, doanh nghiệp khó với tới, nhất là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong giải bài toán về dòng tiền hay chi phí vận hành.
Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì chính sách cũng cần phải “bền”. Bền trong lắng nghe, bền trong điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và bền trong việc hỗ trợ đúng nơi, đúng lúc. Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng cần thời gian để kiểm nghiệm và hoàn thiện, nhưng nếu được triển khai sát thực tiễn, Thông tư 09 hoàn toàn có thể trở thành một cú hích giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa-những “tế bào” quan trọng của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.