Cú hích công nghệ từ drone giúp nông dân canh tác vượt trội

Giảm chi phí, tăng năng suất, bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường, đó là những lợi ích rõ rệt mà công nghệ máy bay không người lái (drone) đang mang lại cho ngành trồng lúa Việt Nam.

Chỉ cách đây chưa đầy một thập kỷ, hình ảnh người nông dân oằn mình vác bình thuốc giữa ruộng lúa mịt mù hóa chất vẫn là cảnh tượng quen thuộc ở nhiều vùng quê. Nhưng giờ đây, ở nhiều địa phương, thay vào đó là những cánh drone bay vút lên không trung, thực hiện thao tác phun thuốc, bón phân nhanh gọn, chính xác và an toàn hơn.

Đây là một phần của làn sóng cơ giới hóa nông nghiệp, trong đó drone được coi như một công cụ đắc lực giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, công sức và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe cũng như ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc ứng dụng drone trong canh tác lúa là bước đi tất yếu trong quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao đã được loại khỏi danh mục từ năm 2017, việc kiểm soát dịch hại cần đến phương pháp an toàn hơn, hiệu quả hơn, điều mà công nghệ drone có thể đáp ứng.

Dự kiến đến cuối năm 2025, nhiều loại thuốc sẽ được bổ sung vào danh mục khuyến nghị hàng năm, tạo cơ sở để nông dân yên tâm sử dụng drone trên đồng ruộng.

Dự kiến đến cuối năm 2025, nhiều loại thuốc sẽ được bổ sung vào danh mục khuyến nghị hàng năm, tạo cơ sở để nông dân yên tâm sử dụng drone trên đồng ruộng.

Tại vụ hè thu 2024, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp triển khai mô hình sản xuất lúa ứng dụng drone với ba nghiệm thức khác nhau. Kết quả cho thấy nghiệm thức sử dụng drone để gieo sạ 60kg/ha kết hợp trục vùi phân và bón phân 2 lần mang lại năng suất cao nhất (6,22 tấn/ha) và lợi nhuận đạt gần 25 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với phương pháp truyền thống vốn cần tới 150kg lúa giống/ha và bón phân tới 4 lần.

Chi phí sản xuất cũng giảm rõ rệt. Trong khi phun thuốc thủ công tốn khoảng 270.000 đồng/ha, thì phun bằng drone chỉ còn khoảng 150.000 đồng/ha, chưa kể năng suất phun đạt tới 50ha/ngày, điều gần như không thể thực hiện với phương pháp truyền thống.

Theo TS. Mai Nguyệt Lan, Phó trưởng Bộ môn Nông học (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long), drone là giải pháp tối ưu hóa nguồn lực trong bối cảnh lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm.

Hiện nay, việc ứng dụng drone đang được thúc đẩy thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Công nghệ này được đánh giá là “trợ thủ vàng” trong triển khai đồng loạt quy trình canh tác tiên tiến, từ phun thuốc, bón phân đến gieo sạ, nhất là ở những vùng đất trũng, lầy lún vốn khó cơ giới hóa.

Thậm chí, với khả năng kiểm soát sinh vật gây hại tốt và tiết kiệm nhân công, drone mở ra khả năng sản xuất quy mô lớn phục vụ xuất khẩu gạo chất lượng cao.

Thấy rõ tiềm năng đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai các khảo nghiệm, đồng thời ban hành tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830:2022/BVTV về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật dùng cho drone, đưa công nghệ này vào khung pháp lý.

Công ty TNHH FMC Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong với 22 khảo nghiệm được thực hiện cho 5 sản phẩm chính. Theo ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc kỹ thuật công ty, nếu tuân thủ đúng quy trình, việc phun bằng drone vẫn đảm bảo hiệu quả và dư lượng đạt chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, để drone thực sự “cất cánh” trong nông nghiệp Việt Nam, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam cho biết, do thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị drone nông nghiệp, nên khâu nhập khẩu và vận hành còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, các vấn đề về an ninh hàng không, vùng bay, lưới điện, và quy trình cấp phép bay vẫn là rào cản khiến doanh nghiệp e dè khi đầu tư mở rộng.

Thêm vào đó, hiện chưa có định mức khảo nghiệm chính thức, nên các doanh nghiệp muốn đưa thuốc bảo vệ thực vật vào sử dụng cho drone vẫn phải hợp tác với các tổ chức ngoài nhà nước để thực hiện đánh giá.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký khảo nghiệm thuốc phù hợp, đồng thời chuẩn hóa quy trình cấp phép và vận hành drone.

Dự kiến đến cuối năm 2025, nhiều loại thuốc sẽ được bổ sung vào danh mục khuyến nghị hàng năm, tạo cơ sở để nông dân yên tâm sử dụng drone trên đồng ruộng.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cu-hich-cong-nghe-tu-drone-giup-nong-dan-canh-tac-vuot-troi-d269277.html
Zalo