Sản xuất cà phê thích ứng biến đổi khí hậu
Những năm qua, canh tác cà phê tại Tây Nguyên chủ yếu theo phương thức truyền thống. Nông dân có xu hướng thâm canh quá mức, sử dụng phân vô cơ vượt ngưỡng khuyến cáo và chưa áp dụng các kỹ thuật tưới nước khoa học. Hậu quả là đất đai bị suy thoái, hiện tượng chua hóa đất diễn ra nhanh, nguồn nước tưới bị lãng phí, đặc biệt tại Đắk Hà, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ tác động tiêu cực đến cây cà phê. Theo ThS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nhiệt độ gia tăng khiến nhiều vùng trồng cà phê truyền thống không còn phù hợp. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh rỉ sắt do nấm gây ra, có xu hướng phát triển mạnh, làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trước áp lực từ biến đổi khí hậu, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và mô hình truyền thống để đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường.
Một trong những mô hình điển hình là tổ khuyến nông cộng đồng đang hoạt động rất hiệu quả tại Kon Tum, nơi người dân được tiếp cận với quy trình canh tác tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thị trường. Các tổ này hỗ trợ nông dân trong từng khâu kỹ thuật như cắt cành, tỉa chồi, tưới tiêu, bón phân hợp lý và sử dụng giống cây trồng phù hợp.
Trường hợp gia đình ông Phạm Văn Thụ (huyện Đắk Hà) là minh chứng rõ ràng. Với hơn 1,5ha cà phê, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật bởi tổ khuyến nông, vườn cây tăng gần 20% năng suất so với niên vụ trước. Ông Thụ chia sẻ: “Việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng hạt cà phê, từ đó tăng thu nhập và bảo vệ được môi trường sống”.
Theo các chuyên gia, việc sản xuất cà phê thông minh cần đồng bộ ở nhiều khâu, từ giống cây, phân bón đến chế độ tưới tiêu. Trong đó, công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp tưới phân đang là xu hướng được khuyến nghị vì có khả năng gia tăng năng suất từ 10 đến 40%, đồng thời giảm đáng kể chi phí sản xuất, tiết kiệm nước và phân bón, giúp người nông dân tăng thu nhập từ 20 đến 50%.
Cụ thể, lượng nước cần thiết cho cây cà phê trong lần tưới đầu mùa vào khoảng 400 - 450 lít/gốc. Những lần sau chỉ cần 350 - 400 lít/gốc là đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng, không gây lãng phí.
Song song với đó, về chế độ phân bón, các nhà khoa học khuyến cáo nên bón cân đối giữa phân hữu cơ và NPK; ưu tiên các dòng phân bón chuyên dùng cho cà phê có chứa hoạt chất thông minh giúp cây tăng khả năng chịu hạn, chống bệnh và duy trì sinh trưởng ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa có thể tiết kiệm từ 30 đến 40% lượng phân bón sử dụng, từ đó giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế.
Chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại đang là yêu cầu bắt buộc, là bước chuyển đổi tất yếu để nông dân Tây Nguyên tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất cà phê bền vững sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên đất - nước và gìn giữ hệ sinh thái địa phương, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, khẳng định thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần tiếp tục mở rộng các mô hình trình diễn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân, tăng cường kết nối doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân để cùng nhau phát triển chuỗi sản xuất cà phê theo hướng “xanh” và hiệu quả.