Cú hích công nghệ làm bệ phóng cho HTX vươn mình

Ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử đang mở ra những cơ hội mới, giúp các HTX ở Bình Phước nâng cao năng suất, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Những năm gần đây, nông nghiệp Bình Phước chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ khi các HTX không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Thay vì lối canh tác truyền thống, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ, từ khâu giống, chăm sóc đến chế biến, đóng gói. Đồng thời, việc tiếp cận và khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử đã giúp nông sản Bình Phước vươn xa, tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước.

Số hóa quy trình, nâng tầm chất lượng

HTX Nông nghiệp Số Bình Phước là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng số, HTX đã tối ưu hóa quy trình canh tác, quản lý sản xuất một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

Điển hình là việc số hóa các cơ sở chế biến hạt điều trên nền tảng AutoAgri, giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Sự chủ động trong chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên HTX mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị nông sản của Bình Phước trên thị trường.

Không chỉ HTX nông nghiệp Số Bình Phước, nhiều HTX khác trong tỉnh cũng đang tích cực số hóa quy trình sản xuất. Một số HTX trồng Rau an toàn ở huyện Phú Riềng đã triển khai hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại, kết hợp với quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Việc ứng dụng công nghệ giúp các HTX kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, đảm bảo rau luôn đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bơ ông Hoàng của HTX nông nghiệp số Bình Phước đã được số hóa đến từng gốc cây.

Bơ ông Hoàng của HTX nông nghiệp số Bình Phước đã được số hóa đến từng gốc cây.

Bên cạnh đó, các HTX còn chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Nhiều đơn vị đã đầu tư vào hệ thống sấy lạnh, máy đóng gói tự động, giúp bảo quản nông sản được lâu hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của thương mại điện tử, nhiều HTX ở Bình Phước đã chủ động tìm hiểu, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh như hạt điều, hồ tiêu, trái cây, rau củ đã dần xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, cũng như các trang web, mạng xã hội của HTX.

Điển hình như HTX điều hữu cơ Trảng Cỏ Bù Lạch ban đầu chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, chủ yếu qua các đại lý, thương lái. Tuy nhiên, việc tiếp cận thương mại điện tử đã mở ra một kênh tiêu thụ mới, giúp HTX tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng trên cả nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào trung gian và tăng lợi nhuận cho các thành viên.

Không chỉ bán lẻ, nhiều HTX còn tận dụng thương mại điện tử để kết nối với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn. Việc tham gia các sàn giao dịch nông sản trực tuyến, các chương trình xúc tiến thương mại điện tử do tỉnh và các bộ ngành tổ chức đã giúp các HTX mở rộng cơ hội hợp tác, ký kết các hợp đồng giá trị.

Những quả ngọt đầu mùa và thách thức phía trước

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và thương mại điện tử đã mang lại những "quả ngọt" đầu mùa cho các HTX ở Bình Phước. Năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng cao, chất lượng sản phẩm được cải thiện, thị trường tiêu thụ được mở rộng, thu nhập của các thành viên HTX cũng tăng lên đáng kể.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, các HTX ứng dụng công nghệ cao có doanh thu bình quân tăng từ 15-20% so với các HTX sản xuất theo phương pháp truyền thống. Các HTX có kênh bán hàng trực tuyến cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng trưởng ấn tượng. Ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử cũng giúp nhiều HTX liên kết được với doanh nghiệp để phát triển thành các chuỗi giá trị bền vững. Chỉ tính riêng trong ngành điều, đến nay, đã có 30 HTX trong tỉnh liên kết thành công được với các doanh nghiệp.

Để có được điều này, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam (cụ thể là Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường) thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mẫu ứng dụng công nghệ số thành công để nhân rộng.

Hệ thống chăm sóc cây bằng internet của HTX nông nghiệp số Bình Phước.

Hệ thống chăm sóc cây bằng internet của HTX nông nghiệp số Bình Phước.

Đặc biệt, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng và chia sẻ các nền tảng số đã phát triển như chợ sản phẩm trực tuyến cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để các HTX ở Bình Phước ứng dụng.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã tổ chức các đoàn công tác tham quan, nghiên cứu các mô hình chuyển đổi số thành công ở các địa phương khác, có sự phối hợp và hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam trong việc kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ các HTX trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, các HTX ở Bình Phước vẫn còn đối mặt với không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Vốn đầu tư ban đầu cho công nghệ và xây dựng kênh thương mại điện tử còn hạn chế. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, thành viên HTX còn yếu. Việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức và kiến thức chuyên môn.

Tiếp sức để HTX cất cánh

Theo đại diện một số HTX, việc xây dựng gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp, triển khai các hoạt động marketing online và tích hợp các phương thức thanh toán điện tử đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu mà nhiều HTX nhỏ khó đáp ứng.

Trong khi các HTX này thường thiếu nhân lực có kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, marketing số, quản lý đơn hàng trực tuyến và chăm sóc khách hàng trên môi trường mạng. Việc tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cũng là một thách thức về chi phí.

Nhiều HTX đang phát triển một số sản phẩm nông nghiệp truyền thống hoặc sản phẩm chế biến thủ công nên có thể chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về đóng gói, nhãn mác, và chất lượng hình ảnh cần thiết cho việc bán hàng trực tuyến.

Để hỗ trợ các HTX, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là động lực quan trọng để các HTX phát triển bền vững. Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn lực, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử, góp phần đưa nông sản Bình Phước vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với sự quyết tâm của các HTX và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tin rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ và thương mại điện tử sẽ tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ, giúp các HTX ở Bình Phước ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trí Chiến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/cu-hich-cong-nghe-lam-be-phong-cho-htx-vuon-minh-1106379.html
Zalo