Cụ Doãn viết thư pháp về Bác giữa làng quê

Dưới mái hiên của căn nhà nhỏ nơi thôn Bàu Cầu yên bình, cụ Vũ Văn Doãn - người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh - nay lại cặm cụi bên nghiên mực, nét bút, miệt mài viết nên những áng thư pháp Hán Nôm dạt dào cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Không phô trương, cầu kỳ, thư pháp của cụ mang đậm hồn cốt dân tộc, là sự kết tinh của một đời người gắn bó với quê hương, đất nước và những giá trị truyền thống. Qua từng nét chữ, từng bài thơ, câu đối, cụ Doãn không chỉ giữ gìn di sản văn hóa mà còn lan tỏa tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng và vẻ đẹp tư tưởng Hồ Chí Minh đến với thế hệ mai sau.

Cụ Vũ Văn Doãn (bìa trái) và ông Ngô Văn Lành, Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Châu (bìa phải) trong không gian Tết Việt Hòa Vang Ất Tỵ - 2025 của đơn vị xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang

Cụ Vũ Văn Doãn (bìa trái) và ông Ngô Văn Lành, Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Châu (bìa phải) trong không gian Tết Việt Hòa Vang Ất Tỵ - 2025 của đơn vị xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang

Từ người lính năm xưa đến nghệ nhân “chân quê” nơi làng nhỏ

Giữa vùng quê yên bình thôn Bàu Cầu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), có một cụ ông tóc bạc, nét mặt hiền từ, vẫn ngày ngày cặm cụi với từng nét bút, viết nên những dòng thư pháp Hán - Nôm thấm đẫm tình yêu nước và lòng thành kính với Bác Hồ. Đó là cụ Vũ Văn Doãn, 71 tuổi, một Cựu chiến binh từng “tay súng tay đạn” chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt, giờ lại lặng lẽ tiếp nối hành trình cống hiến bằng ngòi bút, bằng con chữ.

Từ năm 1972 đến 1975, cụ là Đội trưởng đội cứu thương du kích Hàm Rồng (Thanh Hóa). Sau ngày đất nước thống nhất, cụ tiếp tục công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ tại Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi trở thành Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quế Sơn. Dẫu trải qua nhiều cương vị, nhưng nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn cụ vẫn là tình yêu với nghệ thuật thư pháp, đặc biệt là với những vần thơ và di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Vũ Văn Doãn viết thư pháp tặng du khách

Cụ Vũ Văn Doãn viết thư pháp tặng du khách

Say mê từng nét chữ, vun đắp giá trị truyền thống

Với cụ Doãn, thư pháp không đơn thuần là nghệ thuật của con chữ, mà là phương tiện để lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc. Dù không học bài bản, không theo đuổi chuyên nghiệp, nhưng bằng lòng đam mê và sự miệt mài rèn luyện suốt nhiều năm, cụ đã biến những con chữ mộc mạc thành những nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Những tác phẩm thư pháp của cụ không bay lượn như rồng múa phượng bay, nhưng lại thấm đẫm chất quê, khiến người xem cảm thấy gần gũi, ấm áp.

Đặc biệt, trong không khí rộn ràng của các hội xuân quê nhà, hình ảnh cụ Doãn ngồi lặng lẽ viết thư pháp thu hút không ít người dân và du khách. Ai cũng muốn được xin một chữ “Phúc”, “Lộc”, “An”, “Tài” để cầu may đầu năm, nhưng cũng là để giữ cho mình một phần hồn quê, hồn Việt. Điều đặc biệt hơn cả là cụ không nhận tiền công, mà viết miễn phí cho bà con như một cách chia sẻ niềm vui, trao gửi tình thương.

Không gian thư pháp cũng được các bạn trẻ quan tâm

Không gian thư pháp cũng được các bạn trẻ quan tâm

Khi những vần thơ Bác Hồ trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động

Trong không gian yên tĩnh của căn nhà nhỏ, chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc đầy xúc động khi cụ Doãn cẩn trọng viết lại hai câu đối bằng chữ Hán - Nôm mà Chủ tịch Mao Trạch Đông từng gửi viếng Bác Hồ: "Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất / Minh tinh quang nhật nguyệt, Á Âu hào kiệt thị vô song."

Vừa viết, cụ vừa kể lại bằng giọng trầm ấm về cuộc đời vĩ đại của Bác - người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người cha già của dân tộc Việt Nam. Cụ còn sưu tầm và trình bày bằng thư pháp nhiều bài thơ của Bác, trong đó có “Nguyên tiêu” - bài thơ đậm chất lãng mạn và giàu tinh thần lạc quan trong những ngày kháng chiến gian khổ: "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên / Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên / Yên ba thâm xứ đàm quân sự / Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền."

Cụ Doãn chia sẻ: “Trăng - nước trong thơ Bác đẹp một cách thanh cao và huyền ảo. Chúng ta không chỉ thấy bóng dáng một nhà thơ, mà còn là phong thái ung dung, tinh thần lạc quan của một nhà quân sự kiệt xuất. Tôi viết không phải để khoe tài, mà để lan tỏa vẻ đẹp trong tư tưởng và tâm hồn của Bác lan tỏa tới thế hệ sau”.

Quá trình hình thành và phát triển lớp học Hán Nôm

Cụ Doãn cho hay, lớp học của chúng tôi được tổ chức tại Chi hội Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) thuộc Chi hội Hán Nôm Đà Nẵng. Người giảng bài là các học viên được phân công, sau mỗi buổi học, các hội viên tham gia góp ý và bổ sung. Nội dung bài giảng chủ yếu dựa trên tập sách Hán Văn Giáo Khoa Thư. Lớp học có khoảng 20 học viên, phần lớn là các cô chú đã nghỉ hưu, còn lại là một số người trẻ làm giáo viên văn học và nghề y học cổ truyền. Lớp học đã duy trì khoảng 5 năm, sau hai khóa học đầu tiên. Các học viên không phải đóng học phí và đến lớp với sự đam mê, yêu thư pháp Hán Nôm. Ban đầu lớp học diễn ra ở phòng họp của Ủy ban MTTQ quận, nhưng hiện nay đã chuyển về sinh hoạt tại thôn Khái Tây 2 (phường Hòa Quý).

Cụ Vũ Văn Doãn đang phân tích chữ Hán Nôm tại lớp học

Cụ Vũ Văn Doãn đang phân tích chữ Hán Nôm tại lớp học

Người nghệ sĩ làng quê và khát vọng giữ gìn tinh hoa dân tộc

Không chỉ là người yêu thơ, yêu chữ, cụ Doãn còn là một người cao tuổi mẫu mực, tận tâm với cộng đồng. Năm 2007, cụ từng đạt giải Nhì trong cuộc thi “Cụ ông, cụ bà đẹp lão” của huyện Hòa Vang, với bài thuyết trình sâu sắc về vai trò người cao tuổi trong văn hóa cộng đồng. Nhiều năm liền, cụ được các cấp chính quyền khen tặng vì những đóng góp không mệt mỏi trong phong trào Người Cao tuổi và hội Cựu Chiến binh.

Căn nhà nhỏ của cụ như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những bức thư pháp ca ngợi quê hương, đất nước, ngợi ca con người Việt Nam. Có những bức thư pháp với những con chữ dẫu đã cũ, giấy đã ố màu, nhưng sức sống trong từng nét bút của cụ vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Cụ tâm sự giản dị mà sâu sắc: “Tôi viết thư pháp để người dân thưởng thức, để lưu giữ lại nét văn hóa cổ, để những giá trị tinh thần ấy mãi tỏa sáng. Tôi chỉ mong các thế hệ trẻ biết yêu, biết quý trọng và lan tỏa những điều Bác dạy và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.”

Chiều xuống dần trên mảnh đất yên bình, ánh nắng vàng như mật phủ lên luống rau, vạt bắp trong khu vườn nhỏ. Chúng tôi chia tay cụ với niềm cảm phục sâu sắc. Cụ gọi với theo: “Thư pháp về Bác Hồ kính yêu là kho tàng vô tận. Mong ngày càng có nhiều người trẻ nối tiếp...”.

Và có lẽ, chính niềm tin đó, tình yêu đó đã làm nên cụ Vũ Văn Doãn - một người lính già từng đi qua chiến tranh, một “nghệ sĩ chân quê” viết nên những vần thơ sống động bằng mực tàu và tâm huyết, giữa lòng quê đang đổi thay từng ngày.

Lê Văn Kỳ

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cu-doan-viet-thu-phap-ve-bac-giua-lang-que-a28649.html
Zalo