Cư dân hai 'khu đô thị triệu đô' nghẹt thở vì làng nghề tái chế nhựa
Đây là tình trạng ô nhiễm không khí do đốt tái chế nhựa của làng Minh Khai gần hai khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và Vinhomes Ocean Park, huyện Gia Lâm (Hà Nội) khiến hàng nghìn cư dân sinh sống quanh khu vực khốn khổ...
Mùi nhựa tái chế khét "nồng nặc"
Nằm giáp ranh với huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô khoảng 25km về phía đông, thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) lâu nay được biết đến là làng tái chế như nhựa, nilon.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hưng Yên vào năm 2018 hơn 80% số hộ dân nơi đây làm nghề tái chế nhựa, công việc này cũng tạo kế sinh nhai cho hơn 6.400 lao động; hoạt động sản xuất chủ yếu trong khu dân cư.
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (tỉnh Hưng Yên) nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây chưa được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn.
Thời gian qua, nhiều người dân tại khu vực Khu đô thị Ecopark và Khu đô thị Vinhomes Ocean Park phản ánh, các hộ gia đình đều phải đóng cửa kín để ngăn không khí nhiễm khói bụi độc hại, mùi khét nồng của nhựa bay thẳng vào nhà. Bất kể ngày hay đêm, hàng trăm "họng khói" to nhỏ đen kịt được xả thẳng ra môi trường. Theo hướng gió thổi, những "đám mây khói" ồ ạt tạt vào nhà các hộ dân Khu đô thị Ecopark và Khu đô thị Vinhomes Ocean Park...
Anh N.V.N. cư dân sống tại Khu đô thị Ecopark cho biết, vài tháng trở lại đây, không khí tại huyện Văn Giang thường xuyên bị ô nhiễm nặng nề, đặc biệt vào khoảng thời gian 9-10h và 16-18h.
"Nhiều ngày nay, các thiết bị đo chất lượng không khí cho thấy chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) đạt ngưỡng cảnh báo nguy hại cho sức khỏe, vượt xa mức an toàn, thường xuyên ở ngưỡng 200-450.
Nhiều người dân sống trong khu đô thị thường xuyên gặp phải các triệu chứng về đường hô hấp như ho, khó thở, buồn nôn, đau đầu, cay mắt. Thậm chí, có người phải đi khám và điều trị bệnh viêm phổi, viêm xoang", anh N.V.N cho hay.
Chị L.T.H., cư dân Khu đô thị Vinhomes Ocean Park cho biết, những ngày gần đây, mùi khói từ nhựa xộc lên các căn hộ khá thường xuyên. Từ không gian của tầng 12, chị rất lo lắng trước tình trạng khói đen liên tục được xả vào bầu không khí từ làng nghề tái chế nhựa Minh Khai.
"Chất lượng không khí ở khu vực luôn ở ngưỡng báo động nên các máy lọc không khí trong các gia đình đều báo đỏ liên tục. Mỗi buổi sáng, nếu ra ban công, các cư dân phải đeo khẩu trang vì mùi khét nồng nặc xộc vào mũi", chị Hằng nói.
Để làm rõ phản ánh trên, ngày 19 và 20/11, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có mặt tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai. Ngay từ đầu làng, PV đã bắt gặp những "núi" rác nhựa được chất kín, cao hàng chục mét ở khắp các con đường.
Các xe tự chế, chất cao từ 4-6m các loại nhựa liên tục ra vào tấp nập. Tại các ống khói liên tục thải ra khói có màu đen xì, mùi khét lẹt từ nhựa bị đốt cháy.
Tiếp tục đi sâu vào trong làng nghề, PV bắt gặp một dòng sông là bãi tập kết phế thải nhựa. Rác chất đầy hai bên bờ sông, lòng sông luôn đen ngòm, đặc quánh. Do lượng rác thải nhựa quá lớn nên thường xuyên tràn xuống sông.
Cần có biện pháp để tránh ô nhiễm môi trường
Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1980, ban đầu chỉ có vài hộ đi mua gom phế liệu để sơ chế có thêm thu nhập; cho đến nay đã phát triển mạnh với khoảng 725 hộ sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tái chế nhựa ở làng nghề Minh Khai đã thải ra môi trường khí thải, nước thải, rác thải độc hại, tích tụ, kéo dài nhiều năm. Trước tình trạng đó, ngày 22/4/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đưa làng nghề tái chế nhựa Minh Khai vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên vào năm 2018, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa hiện nay tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày. Sản phẩm chính được sản xuất tại đây gồm: ống nhựa, túi ni-lông, hạt nhựa, màng mỏng, lưới, cốc, hộp...
Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60 đến 65 tấn/ngày, không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường; nước thải phát sinh gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trong quá trình rửa nguyên liệu, xay và tạo hạt nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm.
Lượng rác thải phát sinh tồn đọng ở làng nghề khoảng 30 nghìn tấn. Do vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện; lượng rác thải trong làng nghề tích lại ngày một lớn đang đe dọa cuộc sống của người dân.
Theo văn bản mà Ban Quản lý Khu đô thị Vinhomes Ocean Park và Khu đô thị Ecopark gửi tới các cư dân, hai đơn vị này đã gửi nhiều công văn đề nghị UBND thị trấn Như Quỳnh và huyện Văn Lâm phối hợp xử lý vấn đề ô nhiễm không khí từ năm 2021.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 8/2024, tình trạng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, hai đơn vị đã tiếp tục có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên để chỉ đạo và có hướng giải quyết dứt điểm.
Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh Hưng Yên, UBND thị trấn Như Quỳnh đã kiểm tra, rà soát và xác minh thông tin phản ánh, xử lý vi phạm của các bên liên quan để bảo đảm các vấn đề về môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới cư dân sinh sống tại hai khu đô thị. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng ô nhiễm không khí chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hàng nghìn cư dân hai khu đô thị Ecopark và Vinhomes Ocean Park cũng như những khu vực lân cận đang phải hít thở bầu không khí được cảnh báo ở mức nguy hiểm mỗi ngày, mang theo nhiều rủi ro cho sức khỏe.