Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Đầu tháng 11 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Công ty CP Tập đoàn Hateco (Hateco Group) đã chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với logo được thiết kế hiện đại hơn. Logo cũ, vốn mang hình ảnh những khối tòa nhà cao tầng, nay được thay thế bằng một biểu tượng tối giản với dòng chữ “Hateco” cách điệu. Điểm nhấn nằm ở chữ “E” được thiết kế bằng các đường gạch song song và góc vạt chéo, gợi lên hình ảnh người dẫn đầu, thể hiện tinh thần tiên phong và động lực tăng trưởng không ngừng của tập đoàn.
Hateco Group thay đổi trong nhận diện thương hiệu ngay trước thời điểm tập đoàn ghi dấu mốc quan trọng ở một lĩnh vực kinh doanh mới. Theo đó, dự kiến ngay đầu năm tới, dự án bến số 5, 6 cảng Lạch Huyện do Hateco làm chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động sau hơn hai năm thi công, trở thành cảng biển container lớn nhất miền Bắc và hàng hóa từ đây có thể đi thẳng sang châu Âu và Mỹ mà không phải trung chuyển ở cảng thứ ba.
Nhận diện thương hiệu mới cũng thể hiện định hướng tập trung của tập đoàn trong tương lai. Khởi đầu từ bất động sản, đến nay Hateco Group đã trở thành tập đoàn tư nhân lớn với bảy công ty thành viên, hoạt động ở bốn lĩnh vực mũi nhọn là bất động sản; logistics; đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư, phát triển cảng biển.
Doanh nhân Thái Bình khởi nghiệp ngay tại quê hương
Tỉnh Thái Bình nổi tiếng là vùng đất của nhiều doanh nhân danh tiếng như Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền và Chủ tịch Tập đoàn Bitexco ông Vũ Quang Hội. Mặc dù vậy, không có nhiều người lập nghiệp và thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương. Doanh nhân Trần Văn Kỳ, nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Hateco Group là một ngoại lệ.
Cuối năm 2004, khi vẫn còn là cán bộ ngân hàng Vietinbank, ông Kỳ đã thành lập Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội với vốn điều lệ khiêm tốn chỉ 8 tỷ đồng, tiền thân của Hateco Group.
Ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp của ông Kỳ đã tham gia triển khai dự án bất động sản quy mô nhất thành phố Thái Bình lúc bấy giờ là Khu đô thị mới Trần Lãm với diện tích gần 12 ha.
Dự án được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đầu tư vào ngày 18/1/2005, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, gồm 292 căn liền kề và 38 căn biệt thự và các công trình công cộng như nhà trẻ, trung tâm thương mại, nhà văn hóa.
Những ngày đầu xây dựng dự án, không ít người đã hồ nghi về tính khả thi khi triển khai ở vùng đất mới mẻ này.
Dự án bất động sản đầu tay của doanh nhân Trần Văn Kỳ cũng gặp trở ngại lớn khi ra mắt đúng lúc thị trường bất động sản đóng băng. Bất chấp khó khăn chung, kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực tài chính giúp ông Kỳ xoay sở thành công, giúp dự án vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Lợi thế của dự án khi đó là định giá đất rẻ, chỉ ở mức 405.000 đồng/m2, không bao gồm tiền đền bù và giải phóng mặt bằng. Năm 2014, khi thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khủng hoảng, Khu đô thị Trần Lãm cũng chính thức được bàn giao và đi vào hoạt động.
Theo công bố của Hateco, dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng, cung cấp gần 700 căn biệt thự, liền kề.
Thành công tại Thái Bình là tiền để để Hateco tiến công sang thị trường bất động sản mới là Hà Nội với thành viên chủ chốt Hateco Thăng Long.
Chỉ trong vòng ba năm từ 2014 đến 2017, Hateco đã triển khai hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội như dự án tổ hợp chung cư Hateco Hoàng Mai, Hateco Apollo, Hateco Green City, Hateco Green Park và Hateco Laroma.
Trong đó, dự án căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại Hateco Laroma tọa lạc tại lô số 4A, phường Láng Thượng có thể coi là điểm nhấn nổi bật của Hateco tại Hà Nội. Dự án được xây dựng trên diện tích đất hơn 3.000 m2, thiết kế 30 tầng nổi với sáu tầng thương mại và 24 tầng căn hộ, được khởi công từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2021.
Năm 2019, Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội chính thức chuyển sang tên gọi Hateco Group.
Doanh nghiệp cũng đã phát triển tới một quy mô hoàn toàn khác so với thời điểm mới thành lập. Tính tới cuối năm 2020, Hateco Group có vốn điều lệ đạt 6.900 tỷ đồng. Vietinbank - nhà băng nơi ông Kỳ từng làm việc là đối tác tín dụng quan trọng, có thỏa thuận hợp tác toàn diện với Hateco Group.
Sau hai thập kỷ phát triển, bất động sản là trụ cột quan trọng của Hateco, với danh mục dự án từ Hà Nội đến các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lào Cai… Năm tới, Hateco dự kiến sẽ ra mắt một số dự án trọng điểm như dự án Khu đô thị thông minh tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Riêng tại Thái Bình, sau thành công của Khu đô thị Trần Lãm, Hateco Group tiếp tục mở rộng đầu tư, trước khi những doanh nghiệp bất động sản khác như Eurowindow Holdings đổ về đây.
Năm 2021, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại Khu dân cư phía Đông đường Võ Nguyên Giáp, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.
Dự án có tổng diện tích hơn 306 nghìn m2, quy mô dân số khoảng 4.600 người, dự kiến có 716 căn nhà ở thấp tầng cùng các chung cư thương mại có chiều cao tối đa 35 tầng. Tổng mức chi phí thực hiện dự kiến gần 2.260 tỷ đồng.
Có hai nhà đầu tư đăng ký và cuối cùng Liên danh Công ty CP Tập đoàn Hateco - Công ty CP Cid Holdings đã thắng trong cuộc đua với Công ty CP Glexhomes để giành quyền triển khai dự án.
Cú bẻ lái mạnh mẽ
Thành công trong lĩnh vực bất động sản nhà ở là nền tảng để Hateco Group bước sang nhiều lĩnh vực mới.
Trên thực tế, doanh nhân Trần Văn Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư nên rất nhạy bén trong việc tìm kiếm các cơ hội.
Cuối năm 2017, Hateco Group thành lập Hateco Logistics, bắt đầu đầu tư mạnh mẽ một số dự án logistics như cho thuê kho bãi, hải quan và cung cấp dịch vụ kiểm định hàng hóa, chợ thương mại, cửa hàng cho một số thương hiệu nước ngoài.
Ba năm sau, Hateco Group hợp tác với Deep C phát triển khu công nghiệp Bắc Tiền Phong trên diện tích 1.200 ha tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong được phát triển theo phương thức đa chức năng “tất cả trong một”, tích hợp khu hóa chất hóa dầu và hệ thống cảng biển nội khu, bao gồm cả bến cảng thông thường và cầu cảng hàng lỏng.
Việc ‘bén duyên’ sang đầu tư khu công nghiệp, cảng cạn và logistics đã đưa Hateco tiến sang một lĩnh vực mới là cảng biển, với quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Năm 2021, Hateco tiến vào Hải Phỏng và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được giao triển khai cảng nước sâu khi Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án bến số 5, số 6 bến cảng Lạch Huyện.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Hải Phòng được phân nhóm cảng biển đặc biệt. Trong đó, bến Lạch Huyện có chức năng là cửa ngõ, đón các tàu mẹ của các tuyến hàng hải quốc tế. Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, Lạch Huyện sẽ có tổng số 13 - 15 bến, có khả năng đón tàu container đến 12.000 Teus.
Tại Lạch Huyện, Hateco đầu tư dự án có quy mô 47 ha với hai bến cập tàu có thể tiếp nhận tàu 100.000 DWT; một bến sà lan chiều dài tuyến mép bến 150m, có thể tiếp nhận sà lan 48 Teus. Cùng với đó là hệ thống kho bãi; hạ tầng phục vụ cảng; khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng.
Dự án có thời hạn 70 năm với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 6.500 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15%, còn lại từ vốn huy động hợp pháp. Dự án khởi công năm 2022 và dự kiến sẽ trở thành cảng biển container lớn nhất miền Bắc.
'Siêu dự án" này đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Hateco Group khi bước chân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, có quy mô mang tầm quốc tế. Để triển khai dự án, Hateco Group đã hợp tác, liên kết với những tập đoàn toàn cầu như Maersk, APM Terminal, ZPMC Thượng Hải.
Đối tác tài trợ tín dụng cũng mở rộng khi khi Vietcombank và Hateco Group ký hợp tác toàn diện, trong đó có thỏa thuận nguyên tắc về việc cấp tín dụng cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng này.
Sau gần ba năm triển khai, tổng thể tiến độ thi công toàn dự án đã đạt 78% đến tháng 9 vừa qua và có thể chạy thử toàn tuyến giai đoạn 1 vào cuối năm để phấn đấu đến tháng 2/2025 sẽ đưa vào vận hành.
Mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực, Hateco Group cũng gia tăng tiềm lực tài chính, với vốn chủ sở hữu đạt gần 7.500 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 421 tỷ đồng của năm trước đó.