CPI tháng 3 giảm nhờ giá xăng dầu và giá gạo giảm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,03% nhờ giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới.

Sáng nay (6-4), Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1 năm 2025.

CPI tháng 3 giảm 0,03% so với tháng trước

Báo cáo nêu rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12-2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 3 giảm. Cụ thể, trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 3, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

 Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 3, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Ảnh: MINH TRÚC

Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 3, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Ảnh: MINH TRÚC

Nhóm hàng có chỉ số giá giảm mạnh nhất với mức 1,41% là nhóm giao thông. Nhóm hàng này giảm chủ yếu nhờ chỉ số giá xăng, giá dầu diezen giảm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Một nhóm hàng nữa có chỉ số giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Theo Cục thống kê lý giải, giá gạo trong nước giảm do sản lượng dồi dào khi đang vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân. Đồng thời, Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo đã khiến nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế tăng lên. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang giảm, vì thế chỉ số giá nhóm gạo giảm 1,13%.

 Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là nguyên nhân chính giúp CPI tháng 3 giảm. Ảnh: X.Đ

Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là nguyên nhân chính giúp CPI tháng 3 giảm. Ảnh: X.Đ

Nhìn chung, CPI bình quân quý 1 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhóm thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết; giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng.

Cùng với đó, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện tăng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cũng làm CPI chung tăng.

Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý 1, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ cùng tăng

Theo Cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 28-3, giá vàng thế giới bình quân ở mức 3.000,08 USD/ounce, tăng 10,31% so với tháng 2.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,68% so với tháng trước; tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước; tăng 10,75% so với tháng 12-2024.

Bình quân quý 1, chỉ số giá vàng tăng 31,45%.

Lý giải nguyên nhân, Cục Thống kê cho biết, trong tháng 3, giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt là kế hoạch áp thuế mới của Mỹ, đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường; chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với việc giữ nguyên lãi suất và tín hiệu có thể cắt giảm trong tương lai, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương, đặc biệt ở châu Á đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, góp phần làm tăng nhu cầu vàng trên thế giới. Biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế và bất ổn địa chính trị căng thẳng càng củng cố vai trò của vàng như nơi trú ẩn an toàn, góp phần làm cho giá vàng càng tăng cao.

Khác vàng, giá đô la Mỹ trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28-3, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,94 điểm, giảm 3,15% so với tháng trước do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất cùng với những lo ngại về các chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.685 VND/USD.

Tổng kết, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,77% so với tháng trước; tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,92% so với tháng 12-2024. Bình quân quý 1, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,63%.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/cpi-thang-3-giam-nho-gia-xang-dau-va-gia-gao-giam-post842841.html
Zalo