Covid-19: WHO tiếp tục điểm tên châu Âu nhằm cảnh tỉnh toàn cầu, phát hiện lạnh gáy về biến thể Mu
Ngày 4/11, các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, số ca nhiễm mới Covid-19 tại châu Âu đã tăng 55% trong 4 tuần vừa qua, coi đây là sự cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới.
Phát biểu tại họp báo, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết: "Một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn mong đợi dù sở hữu sẵn số lượng lớn vaccine. Đây là một phát súng cảnh báo để thế giới theo dõi những gì đang xảy ra ở châu Âu".
Ngày 4/11, Pháp ghi nhận 9.502 ca nhiễm mới Covid-19, nâng số ca mắc mới trung bình ngày mỗi tuần lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua (6.226 ca), cao chưa từng thấy kể từ ngày 22/9.
Bên cạnh đó, số tử vong cũng tăng mạnh, trung bình theo tuần cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, Bỉ ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại ở mức khiến nước này từng phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10/2020. Trước tình hình này, Mỹ khuyến cáo công dân không nên đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ.
Số liệu của viện y tế Sciensano của Bỉ cho thấy, số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong 14 ngày qua là 6.728 ca, tăng 36% so với tuần trước đó. Trong khi đó, số bệnh nhân nhập viện và điều trị tích cực cũng tăng cao.
Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là "nguy cơ trung bình", chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống "nguy cơ thấp".
Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động xã hội, tuy vẫn duy trì yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín.
Liên quan tình hìnhbiến thể của virus SARS-CoV-2, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy, biến thể Mu có khả năng kháng kháng thể do vaccine tạo ra cao hơn nhiều so với virus gốc.
Nhóm nghiên cứu, do Phó Giáo sư Kei Sato của Viện Y khoa thuộc Đại học Tokyo làm trưởng nhóm, đã tạo ra virus SARS-CoV-2 nhân tạo có các đặc điểm tiêu biểu của biến thể Mu và đánh giá mức độ nhạy cảm của biến thể này đối với các kháng thể trong các mẫu máu lấy từ những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Các nhà khoa học phát hiện rằng, biến thể Mu có khả năng kháng kháng thể do vaccine tạo ra cao hơn 9,1 lần so với virus gốc. Điều này cũng đồng nghĩa các kháng thể do vaccine tạo ra có hiệu quả bảo vệ thấp hơn với biến thể Mu.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, các vaccine mang lại nhiều hiệu quả khác nhau chứ không chỉ có việc sản sinh ra các kháng thể. Vì vậy, cần phải nghiên cứu sâu hơn để đánh giá việc tiêm vaccine sẽ có tác động như thế nào.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Phó Giáo sư Sato cho biết virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi. Điều quan trọng là thiết lập cơ chế để nhận biết các đặc điểm của virus này và chia sẻ thông tin đó với cộng đồng quốc tế.