COVID-19 tới 6 giờ ngày 4/1: Mỹ tiêm mũi tăng cường cho người từ 12-15 tuổi; Ấn Độ đối mặt với 'sóng thần Omicron'

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 647.037 trường hợp mắc COVID-19 và 3.317 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 291.00.000 ca, trong đó trên 5,46 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 2/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 2/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 291.426.936 ca, trong đó có 5.463.458 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong là đáng ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng này.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 170.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 800 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 254.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 25 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 3/1, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Châu Âu đang lao đao vì biển thể mới Omicron. Theo số liệu của hãng AFP công bố cuối tuần qua, những nước có tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân cao nhất thế giới đều nằm ở châu Âu. Trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 1/1/2022), hơn 4,9 triệu ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trên toàn châu lục, riêng Pháp chiếm hơn 1 triệu ca.

Nước Anh cũng chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao kỷ lục do biến thể Omicron lây lan. Tại Italy, mặc dù tình hình dịch COVID-19 tốt hơn so với các nước châu Âu khác, nhưng chính phủ vẫn báo động về sự gia tăng số ca nhiễm mới và có thể sẽ quyết định các hạn chế mới vào ngày 5/1. Trong vòng 7 ngày tính đến ngày 2/1, số ca mắc tại Italy tăng 145,3%, trong khi tỷ lệ tử vong tăng 64,2%.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình này, Kuwait đã khuyến cáo công dân hạn chế đi lại tới một loạt nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Những công dân đang sinh sống ở những nước này cũng được khuyến cáo nhanh chóng trở về nước với lý do số ca mắc mới COVID-19 "tăng cao chưa từng thấy".

Giống như ở nhiều nước châu Âu, biến thể Omicron cũng đang khiến làn sóng dịch COVID-19 hiện nay ở Ấn Độ lây lan với một tốc độ chóng mặt, vượt qua tất cả các làn sóng dịch trước. Giới chức y tế Ấn Độ ngày 2/1 cho biết trong 24 giờ trước đó, nước này ghi nhận 27.533 ca mắc mới COVID-19 và 284 ca tử vong.

Trong tuần lễ tính đến ngày 25/12/2021, số ca mới trung bình mỗi ngày ở Ấn Độ là 6.641 ca, tăng vọt 175% - mức tăng theo tuần cao nhất kể từ ngày 9/4/2020, vượt qua cả mức tăng đỉnh dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 (khoảng 75%). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các ca nhiễm biến thể Omicron chủ yếu là ca nhẹ, không kéo căng hệ thống y tế như kịch bản tồi tệ đã từng xảy ra ở làn sóng dịch thứ 2.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn tại Hàn Quốc, 2 ca tử vong liên quan đến biến thể Omicron đã được báo cáo trong ngày 3/1. Theo giới chức y tế thành phố Gwangju cách thủ đô Seoul 329 km về phía Nam, 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đều ở độ tuổi 90, mới tử vong gần đây, đã có xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron.

Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận ở mức dưới 4.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Hàn Quốc quyết định kéo dài thêm 2 tuần các biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có lệnh cấm tụ tập từ 4 người trở lên và các quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa vào lúc 21h cho đến hết ngày 16/1.

Tại khu vực Nam Mỹ, ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho người dân nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận khoảng 600 ca nhiễm biến thể Omicron.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở San Lorenzo, Paraguay. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở San Lorenzo, Paraguay. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Chile Enrique Paris cho biết chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ bắt đầu với người lao động trong ngành, người cao tuổi và bệnh nhân mắc bệnh nền. Ông Paris đánh giá tình hình COVID-19 trên toàn thế giới là rất đáng lo ngại đồng thời thừa nhận khả năng số người nhiễm bệnh ở Chile có thể lên tới 6.000 ca mỗi ngày do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Trước tình hình này, cơ quan chức năng buộc phải đẩy sớm lịch tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 vốn được lên kế hoạch cho tháng 2/2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cho rằng tình hình dịch tễ quốc gia hiện nay rất khác so với năm ngoái vì 92% dân số Chile đã được tiêm hai liều và 94% đã được tiêm một mũi ngừa COVID-19.

Trong khi đó, hơn 10,6 triệu người trong tổng số 19 triệu công dân nước này đã được tiêm liều tăng cường. Kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020, Chile đã có hơn 1,8 triệu ca nhiễm và 39 nghìn trường hợp ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 13/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 13/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Washington, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ ngày 3/1 đã cho phép tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho những người từ 12 đến 15 tuổi.

Theo thông báo,FDA cũng rút ngắn thời gian cho tất cả người lớn tiêm vaccine tăng cường, xuống còn năm tháng từ sáu tháng sau khi tiêm mũi đầu tiên. Cuối cùng, đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, FDA cho phép tiêm mũi thứ ba cho một số trẻ bị suy giảm miễn dịch nhất định.

Trong thông báo, ông Peter Marks - một quan chức hàng đầu của FDA - cho biết, dựa trên đánh giá về dữ liệu hiện có, một liều tăng cường của vaccine hiện được cấp phép có thể giúp bảo vệ tốt hơn chống lại cả biến thể Delta và Omicron.

Đặc biệt, chuyên gia trên nhấn mạnh rằng biến thể Omicron dường như có khả năng đề kháng cao hơn đối với mức kháng thể được tạo ra để đáp ứng với các liều chính từ các loại vaccine hiện tại. Quan chức của FDA cũng cho biết thêm, cơ quan này đã mở rộng phạm vi các cá nhân đủ điều kiện để được tiêm nhắc lại.

Trang trí chào đón Năm mới tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trang trí chào đón Năm mới tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.379 ca mắc mới COVID-19 và 244 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 14.972.000 trường hợp và 305.588 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Việt Nam ngày 3/1 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 15.900 ca mắc mới và 190 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, đều là các ca nhập cảnh.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, song số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/1 ghi nhận thêm trên 2.900 ca bệnh mới và 18 người tử vong.

Khách du lịch chụp ảnh tại một khu vui chơi ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch chụp ảnh tại một khu vui chơi ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 6 bệnh nhân mới và chỉ có 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới đang trên đà giảm những cũng vượt 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 11 người.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6-gio-ngay-41-my-tiem-mui-tang-cuong-cho-nguoi-tu-1215-tuoi-an-do-doi-mat-voi-song-than-omicron-20220104022526937.htm
Zalo