COVID-19 tới 6 giờ ngày 23/10: Ca tử vong tăng mạnh ở Nga; Số lượng lớn y bác sĩ thế giới thiệt mạng vì đại dịch
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 452.057 trường hợp mắc COVID-19 và 7.017 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 243,6 triệu ca, trong đó trên 4,95 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 243.623.303 ca, trong đó có 4.952.085 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 220 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 76.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/10, thế giới có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 344 người và CH Bắc Macedonia với 337 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,6 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 71 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 78,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 216.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
Trong ngày 22/10, chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận thêm 26 ca mắc COVID-19 - mức thấp nhất kể từ ngày 17/6 năm ngoái, trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn quốc tiếp tục đà giảm nhờ những tiến bộ trong công tác tiêm phòng.
Chính quyền thủ đô Tokyo (cùng tỉnh Osaka) đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các nhà hàng và quán bar từ đầu tuần tới. Đây là lần đầu tiên Tokyo dỡ bỏ các hạn chế này trong 11 tháng qua.
Tính tới ngày 21/10, gần 96,41 triệu người ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có gần 86,94 triệu người (khoảng 69% dân số) đã tiêm đủ hai mũi. Nếu loại trừ số trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc diện tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn cao hơn nhiều.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11 tới và bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung miễn phí cho người dân từ tháng 12/2021.
Tại Iran, các tín đồ Hồi giáo đã được phép tham gia lễ cầu nguyện thứ Sáu tại thủ đô Tehran sau gần 20 tháng buộc phải ngừng hoạt động này do đại dịch COVID-19. Những người tham gia cầu nguyện phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Theo kế hoạch, từ ngày 23/10, các trường học có dưới 300 học sinh sẽ được mở cửa trở lại và nhân viên chính phủ, trừ lực lượng vũ trang, sẽ không được phép đi làm nếu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kể từ ngày 6/11, các trường có hơn 300 học sinh sẽ mở cửa trở lại. Thống kê cho thấy COVID-19 đã khiến hơn 5,8 triệu người dân Iran mắc bệnh, trong đó có 124.928 người không qua khỏi. Đến nay, hơn 28,2 triệu người ở quốc gia Trung Đông này đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Trong khi đó, New Zealand đã công bố lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa gắn với mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng tham vọng nhất thế giới là 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ không thể yêu cầu những người đã tiêm chủng phải ở nhà mãi.
Vì vậy, cần có một cơ chế mới để bảo vệ cuộc sống của người dân. Bà Ardern thông báo, khi 90% người dân đủ điều kiện (từ 12 tuổi trở lên) được tiêm chủng đầy đủ trên cả nước, New Zealand sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế“đèn giao thông”.
Ngay cả khi "đèn đỏ" - mức hạn chế cao nhất nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có thể mở cửa và những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ vẫn có thể sử dụng các dịch vụ một cách tương đối tự do.
Tuy nhiên, những người không có giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt như chỉ được mua hàng mang đi, không được tụ họp quá 10 người, sinh viên đại học phải học từ xa, và không được tới các cơ sở dịch vụ như phòng tập thể dục, tiệm làm tóc hoặc quán bar.
Bà Ardern nhấn mạnh, hệ thống này sẽ giảm thiểu mối đe dọa của đại dịch, hiện đang lây lan chủ yếu ở những người chưa được tiêm phòng, và tạo cơ sở chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động và phát triển.
Tính đến ngày 22/10, 83% dân số đủ điều kiện tại New Zealand đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 66% đã được tiêm 2 mũi. Chính phủ New Zealand bày tỏ tin tưởng các thành phố lớn như Auckland, vốn bị phong tỏa trong vài tháng qua, có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 90% trước Giáng sinh năm nay.
Tại Mỹ, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) đã đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đối với những người đã tiêm vaccine của các hãng dược Moderna và Johnson & Johnson. Theo đó, người dân Mỹ có thể lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng loại vaccine khác loại mũi tiêm ban đầu. Như vậy, CDC Mỹ đã khuyến nghị sử dụng cả 3 loại vaccine đang được tiêm chủng tại Mỹ làm mũi tăng cường, gồm các vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.
Giám đốc CDC khẳng định tất cả các loại vaccine được phê duyệt ở Mỹ "đều có hiệu quả cao giảm nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh biến thể Delta lây lan". Theo khuyến nghị, những người đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson loại một liều có thể tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer hoặc Moderna - hai loại vaccine này đã được giới khoa học chứng minh có hiệu quả phòng ngừa cao hơn.
Ủy ban tư vấn về quy trình phòng ngừa miễn dịch (ACIP) thuộc CDC Mỹ nhất trí khuyến nghị tiêm mũi tăng cường đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson 2 tháng trước đó. Đối với những người đã tiêm mũi thứ hai vaccine của Moderna 6 tháng trước, ACIP khuyến nghị tiêm mũi tăng cường đối với người từ 65 tuổi trở lên, những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh hoặc bệnh trở nặng, hoặc người có nguy cơ cao lây nhiễm do công việc. Liều lượng mũi tăng cường vaccine của Moderna chỉ 50 micrograms, bằng một nửa liều lượng tiêu chuẩn. Tính đến nay tại Mỹ đã có khoảng 170 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine của Moderna hoặc Pfizer, chiếm 92% tổng số người đã tiêm chủng tại nước này.
Nga và Ukraine, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp tại châu Âu, đều đang trải qua làn sóng dịch nghiêm trọng chưa từng thấy, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên các mức cao mới trong những ngày qua.
Cụ thể, ngày 22/10 là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 1.064 ca. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục, với 37.141 ca. Hiện Nga ghi nhận tổng cộng hơn 8,16 triệu ca, trong đó có hơn 228.400 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi khi vẫn còn khoảng 1 tuần nữa biện pháp đóng cửa các cơ quan công sở trên cả nước theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin mới có hiệu lực. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin về việc áp dụng biện pháp mới từ ngày 30/10-7/11 sẽ tạo cơ hội để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm virus hiện nay. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang "đặc biệt khó khăn".
Tại Ukraine, sau thời gian lắng dịu trong mùa Hè, tình hình dịch COVID-19 lại căng thẳng với số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nhiều trường học tại các điểm nóng dịch bệnh đã phải đóng cửa từ ngày 22/10 và đây cũng là ngày Ukraine ghi nhận thêm một kỷ lục mới về số ca tử vong, với 614 ca trong 24 giờ qua.
Cụ thể, các trường học ở thủ đô Kiev bắt đầu đóng cửa trong 2 tuần trong khi các trường học ở những vùng đỏ (có tỷ lệ lây nhiễm cao) cũng chỉ được phép mở cửa trở lại nếu tất cả các giáo viên trong trường đều được tiêm phòng đầy đủ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 28.731 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 274.700 người.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Trừ Philippines, còn lại ca tử vong nhìn chung cũng đang giảm trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tạp một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận 760 ca bệnh mới và chỉ có 33 ca tử vong.
Diễn biến dịch dù đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, song số ca tử vong lại có chiều hướng tăng lại. Ngày 22/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong lên tới 283 trường hợp. Malaysia từng là điểm nóng, song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 6.630 ca mắc mới và 78 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 925 ca bệnh và 26 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Trong khi đó, Thái Lan nổi lên thành điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/10 ghi nhận thêm trên 9.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 66 người .
Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 148 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 274.767 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 553 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên xấp xỉ 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.