COVID-19 tại ASEAN hết 23/1: Philippines có ca mắc mới cao nhất khối; Malaysia không phong tỏa lần nữa

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 23/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 62.583 ca mắc COVID-19 và 234 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.162.903 ca, trong đó 312.123 người tử vong.

Philippines tiếp tục dẫn đầu ASEAN về số ca nhiễm mới trong ngày 23/1. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 29.828 ca COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên 3.417.216 ca.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết 29.237 (98%) ca mắc mới xảy ra trong vòng 14 ngày qua. Đô thị Manila là khu vực có nhiều ca mắc mới nhất trong giai đoạn này với 5.178 ca (18%), tiếp theo là Calabarzon với 4.227 ca (14%), và Central Luzon với 2.787 ca (10%).

Hiện có 273.580 ca dương tính với COVID-19, chiếm 8% tổng số ca. Con số này thấp hơn con số hơn 280.000 của ngày trước đó.

Số ca dương tính giảm sau khi DOH thống kê 36.763 ca phục hồi mới, nâng số người khỏi bệnh lên 3.090.164. Trên toàn quốc, tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên tới 53.472 người.

Theo DOH, khoảng 69.000 xét nghiệm đã ghi nhận vào ngày 21/1, với tỷ lệ dương tính trong số tất cả những người được xét nghiệm COVID-19 vẫn ở mức cao: 41,8%. Điều này đánh dấu ngày thứ 17 liên tiếp tỷ lệ dương tính ở mức 40% hoặc cao hơn.

Việt Nam đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới với 14.978 ca trong ngày 23/1, nẩng tổng số ca lên 2.141.422 ca.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 7.686 ca trong ngày 23/1. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Thái Lan là 2.377.500 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Trong một thông báo ngày 20/1, người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết trẻ em trong độ tuổi nói trên sẽ được tiêm vaccine có nắp mầu cam của Pfizer/BioNTech. Vaccine Pfizer COVID-19 dành cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, có dạng lọ nhiều liều với nắp màu cam và nhãn có viền màu cam, đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nước này cấp phép sử dụng.

Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ nhận 3 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào ngày 26/1. Số vaccine này nằm trong thỏa thuận mua 10 triệu liều mà Chính phủ Thái Lan đã đặt trước đó. Sau khi tiếp nhận vaccine, Bộ Y tế Thái Lan sẽ mất vài ngày để đánh giá và thử nghiệm một số mẫu như một biện pháp phòng ngừa an toàn trước khi bắt đầu tiêm chủng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Gaborone, Botswana, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Gaborone, Botswana, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong giai đoạn đầu, chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ được triển khai tại Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia mang tên Hoàng hậu Sirikit dành cho những em có bệnh nền như hen suyễn và béo phì và sau đó mở rộng ra các bệnh viện khác. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục để tiêm cho tất cả trẻ em có bệnh nền trước.

Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết cơ quan này đã ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm giữa các em học sinh tăng kể từ đầu tháng 1. Số ca nhiễm cao ở độ tuổi từ 13-19 và có ít nhất một học sinh dưới 18 tuổi đã tử vong kể từ tháng 11/2021. Cho đến nay, đã có khoảng 4,5 trong số 5 triệu thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi ở Thái Lan được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 4 triệu em đã được tiêm mũi thứ 2.

Malaysia đứng thứ tư khu vực về ca nhiễm mới với 4.116 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Malaysia là 2.829.089 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Ismail cho biết hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO), tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.

Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 1.000 để Malaysia có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến ngày 22/1, tổng cộng 10.561.588 người, tương đương với 45,1% người trưởng thành tại nước này, đã được tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, 97,9% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng các mũi cơ bản. Ở lứa tuổi từ 12-17, đã có 88,3% người hoàn thành tiêm chủng.

Indonesia đứng thứ 5 về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 23/1 với 2.925 ca., nâng tổng số ca mắc lên 4.286.387 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, ngày 22/1, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do biến thể Omicron. Trong đó, một nạn nhân là người nước ngoài và một người là ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia - ông Siti Nadia Tarmizi cho biết cả hai bệnh nhân xấu số đều được điều trị tại bệnh viện với các triệu chứng nghiêm trọng. Hai trường hợp này gồm một người đàn ông 64 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và một phụ nữ 54 tuổi đã tiêm vaccine nhưng có bệnh nền.

Bà Siti cũng yêu cầu người dân Indonesia nâng cao ý thức phòng dịch, duy trì các quy định y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, tránh tụ tập đông người và hạn chế đi lại trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại trong những tuần qua.

Singapore ghi nhận 2.463 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 310.276 ca.

Tiêm vaccine COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. MOH cho hay bệnh nhân là một phụ nữ 92 tuổi, đã tử vong hôm 20/1 sau 10 ngày bị nhiễm biến thể Omicron từ một thành viên trong gia đình. Người phụ nữ trên chưa tiêm vaccine COVID-19 và không có tiền sử bệnh tật.

Các quốc gia ASEAN còn lại ghi nhận vài trăm ca mắc mới trong ngày 23/1: Lào (417 ca), Myanmar (144 ca) và Campuchia (26 ca).

Về số ca tử vong, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (123 ca), Philippines (67 ca), Indonesia (14 ca), Thái Lan (13 ca), Malaysia (13 ca), Lào (2 ca), Myanmar (1 ca) và Singapore (1 ca).

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-231-philippines-co-ca-mac-moi-cao-nhat-khoi-malaysia-khong-phong-toa-lan-nua-20220123195723206.htm
Zalo