COVID-19 chưa có biến thể mới tại Việt Nam

Mặc dù số ca mắc vẫn thêm, nhưng COVID-19 chưa có biến thể đột biến, người dân không nên quá lo lắng, không quá chủ quan, cần có biện pháp phòng bệnh chủ động.

Hiện tại, nước ta vẫn ghi nhận ca mắc COVID-19, ca nhập viện nhưng đa số là nhẹ. Ảnh minh họa: IT

Dịch COVID-19 chưa có biến thể mới

COVID-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B giống như cúm. Theo Báo điện tử Chính phủ, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho biết, COVID-19 hiện chưa có biến thể đột biến gene và đang được định danh bệnh nhóm B (giống bệnh cúm thường).

Hiện tại, nước ta vẫn ghi nhận ca mắc, ca nhập viện nhưng đa số là nhẹ. Chỉ số ít trẻ và người già có bệnh nền khi mắc thêm cúm hay COVID-19 thì có nguy cơ nguy hiểm.

Mặc dù trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan…nhưng tại Việt Nam, tất cả số 148 ca mắc trong nước tại 27 tỉnh, thành phố cho đến nay không có ca tử vong.

Bộ Y tế khẳng định, hiện không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình ghi nhận 20 ca mắc/tuần. COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, rộng và gây tử vong cao.

Trước đó, từ tháng 10/2023, Bộ Y tế đã ban hành quyết định điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Bệnh COVID-19 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (chủ yếu qua giọt bắn) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

Bệnh cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị.

Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan và tử vong.

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai...

Người dân chủ động nâng cao ý thức phòng chống COVID-19

Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết); tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý…

Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/covid-19-chua-co-bien-the-moi-tai-viet-nam-179250524061017662.htm
Zalo