Covid-19: Biến thế phụ của Delta - AY.4.2 xâm nhập Đông Nam Á; lý giải hiện tượng thanh niên trẻ khỏe trở bệnh nặng
Ngày 25/10, Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã phát hiện ca Covid-19 đầu tiên nhiễm biến thể Delta Plus, còn được gọi là AY.4.2, ở nước này.
Giám đốc Bộ phận Kiểm soát Dịch bệnh và Chất gây nguy hiểm cho sức khỏe Chawetsan Namwat cho biết, biến thể này được phát hiện ở một người đàn ông 49 tuổi làm việc tại khu vực Bang Sai của tỉnh Ayutthaya vào tháng trước. Người đàn ông này không có tiền sử đến các khu vực rủi ro hoặc ra nước ngoài.
Ông Chawetsan nói thêm, đây là trường hợp duy nhất nhiễm biến thể Delta Plus ở Thái Lan. Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi đến Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan để giải trình tự gen.
Quan chức Thái Lan cho biết, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không phát hiện thêm có trường hợp nhiễm mới nào. Ngoài ra, việc xét nghiệm ngẫu nhiên cũng đã được thực hiện khi phát hiện chủng virus này lần đầu tiên. Mối quan tâm về biến thể này là nó có thể dễ lây lan hơn một chút so với biến thể Delta.
Delta Plus chủ yếu được phát hiện ở Anh. Trong 28 ngày qua, các trường hợp mắc biến thể phụ này ở Anh đang gia tăng, chiếm 6% trong tổng số các trường hợp nhiễm bệnh.
Theo ông Chawetsan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa nâng cấp biến thể Delta Plus lên một loại virus đáng lo ngại, đồng thời khuyến cáo người dân ở Thái Lan không nên quá lo lắng.
Trong một tin khác, mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho hay, có thể phát hiện phản ứng miễn dịch của vật chủ đối với virus SARS-CoV-2, qua đó có khả chẩn đoán sớm các biến chứng nặng ở bệnh nhân Covid-19 căn cứ vào mật độ tập trung protein hFwe-Lose trên bề mặt tế bào.
Theo Tiến sĩ Rajan Gogna, thành viên Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới công nghệ sinh học, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), công trình của họ dựa trên cơ chế phân tích một loại protein cụ thể trên bề mặt tế bào.
Thông qua việc phân tích trạng thái protein của các tế bào, nhóm tác giả có thể chẩn đoán sớm nguy cơ nhập viện, tử vong của F0. Đặc biệt, những nguy cơ này có thể được phát hiện ngay từ dịch hầu họng của bệnh nhân - nghĩa là ở giai đoạn đầu của bệnh, ngay khi người bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng mắc Covid-19.
Phó Giáo sư Kyoung Jae Won, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, phương pháp này có thể chẩn đoán F0 cần nhập viện với độ chính xác tới 78,7%. Với các bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, khả năng tiên lượng chính xác lên tới 93,9%.
Nhận định này của nhóm chuyên gia phần nào lý giải về hiện tượng một số thanh niên không có bệnh nền, sức khỏe bình thường vẫn có thể nhập viện, thậm chí tử vong vì Covid-19.
Trên thực tế, sự khỏe mạnh của tế bào liên quan nhiều yếu tố trong cơ thể và không nhất thiết phải thay đổi theo tuổi tác.
Tuổi tác có ảnh hưởng, nhưng các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nhiều người 80 tuổi vẫn có phổi hoạt động tốt, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Covid-19. Tuy nhiên, các vấn đề như nồng độ insulin, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp đóng vai trò trong việc xác định sự khỏe mạnh của tế bào.
Lá phổi là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất, sớm nhất khi virus SARS-CoV-2 tấn công cơ thể. Nhóm chuyên gia Đại học Copenhagen cũng đo mức độ tập trung của tế bào ở cơ quan này nhằm tiên lượng các vấn đề liên quan Covid-19.
Các tác giả nghiên cứu hy vọng khám phá của họ sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng lên trên toàn cầu hiện nay. Việc tiên lượng các nguy cơ tổn thương giúp nhiều bệnh nhân Covid-19 có thêm cơ hội sống sót.