Costa Rica là quốc gia thứ 73 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Ngày 5/8, được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Đây là quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Công hàm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường được Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar trao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tại Hà Nội.
Việc Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica trao Công hàm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh việc Costa Rica có Công hàm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Điều này cũng phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Theo Bộ Công Thương, đến nay đã có 73 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sĩ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)…
Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao.
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới).
Kinh tế thị trường là khi các quyết định về sản xuất, giá cả và phân phối được hình thành trên sự cạnh tranh, cung - cầu thị trường, thay vì do chính phủ hoặc các tổ chức quyết định trực tiếp. Việc được công nhận nền kinh tế thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế hơn trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì nước thứ ba có nền kinh tế thị trường khác để tính biên độ phá giá. Tức là, biên độ phá giá sẽ phản ánh đúng thực tế sản xuất của nhà xuất khẩu hơn, có thể cạnh tranh với các hàng hóa từ quốc gia khác.
Trong quy định pháp luật của Costa Rica có các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cho đến hết ngày 31/12/2023, theo thống kê của WTO, Costa Rica đã khởi xướng điều tra 12 vụ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia như: Brazil, Chile, Mexico, Hoa Kỳ, Nicaragua, El Salvador, Venezuela và Guatemala.