COP29 đạt thỏa thuận hỗ trợ 300 tỷ USD cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu.

Sau hai tuần đàm phán hỗn loạn và căng thẳng, đại diện gần 200 quốc gia đã thông qua hiệp ước tài chính gây tranh cãi vào sáng sớm nay tại COP29 ở Baku, Azerbaijan.

Theo đó, các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển đến năm 2035 để giúp họ đối phó với những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Số tiền này sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển, những nước cần tiền mặt để cắt giảm sử dụng than, dầu và khí đốt khiến toàn cầu quá nóng, thích nghi với sự nóng lên trong tương lai và chi trả cho thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt của biến đổi khí hậu gây ra.

 Những tai ương về khí hậu đang xảy ra chồng chất. Ảnh minh họa.

Những tai ương về khí hậu đang xảy ra chồng chất. Ảnh minh họa.

Số tiền này kém xa so với số tiền 1,3 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển lâu nay khẳng định là cần thiết để giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng gấp ba lần một thỏa thuận trị giá 100 tỷ USD một năm kể từ năm 2009 và sẽ hết hạn vào năm sau. Một số phái đoàn cho biết thỏa thuận này đang đi đúng hướng, với hy vọng rằng sẽ có nhiều tiền hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, một số đại biểu của các quốc gia đang phát triển đã chỉ trích các quốc gia giàu có vì không tăng mức hỗ trợ nhiều hơn và chỉ trích nước chủ nhà Azerbaijan vì đã vội vã thông qua kế hoạch gây tranh cãi này.

"Tôi rất tiếc phải nói rằng văn bản này chẳng qua chỉ là một ảo ảnh thị giác", đại diện phái đoàn Ấn Độ Chandni Raina phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh, vài phút sau khi thỏa thuận được ký kết. "Theo chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Do đó, chúng tôi phản đối việc thông qua văn bản này", Chandni Raina nói thêm.

"Chúng tôi sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền này không đủ, nhưng đây là một khởi đầu", Tina Stege, đại diện phái đoàn của Quần đảo Marshall, nói.

Nhưng bà chỉ trích nặng nề các cuộc đàm phán vì cho thấy "bản chất tồi tệ nhất của chủ nghĩa cơ hội chính trị". Stege cho biết trong một tuyên bố rằng những nhóm lợi ích liên quan đến nhiên liệu hóa thạch "đã quyết tâm ngăn chặn tiến trình và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng".

Người đứng đầu cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc Simon Stiell thừa nhận các cuộc đàm phán khó khăn dẫn đến thỏa thuận này nhưng hoan nghênh kết quả này như một chính sách bảo hiểm cho nhân loại chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

"Đó là một hành trình khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận", ông Stiell nói. "Thỏa thuận này sẽ duy trì sự bùng nổ năng lượng sạch và bảo vệ hàng tỷ sinh mạng. Nhưng giống như bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào, nó chỉ có hiệu lực nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn".

Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận. Đồng thời cho nói rằng: “Đây không phải là tất cả những gì chúng tôi hoặc những người khác mong muốn, nhưng là một bước tiến cho tất cả mọi người”.

Ông nói thêm rằng cam kết cung cấp 300 tỷ USD một năm cho các nước đang phát triển tới năm 2035 "phản ánh đúng tầm quan trọng của việc vượt ra khỏi các nhà tài trợ truyền thống như Anh và vai trò của các quốc gia như Trung Quốc trong việc giúp đỡ những nước ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này".

"Nếu khoản tài chính này được sử dụng đúng cách, nó có thể cắt giảm lượng khí thải tương đương với một tỷ ôtô và có thể bảo vệ gần một tỷ người khỏi tác động của biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Miliband cho hay.

Danh sách các quốc gia được yêu cầu đóng góp có khoảng 20 quốc gia công nghiệp hóa, bao gồm Mỹ, các quốc gia châu Âu và Canada - có từ danh sách được quyết định trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 1992.

Các chính phủ châu Âu đã yêu cầu những nước khác đóng góp, bao gồm Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Thỏa thuận này khuyến khích các nước đang phát triển đóng góp nhưng không yêu cầu.

Thỏa thuận bao gồm mục tiêu rộng hơn là huy động 1,3 nghìn tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho đến năm 2035 - bao gồm nguồn tài trợ từ tất cả các nguồn công và tư, và theo các nhà kinh tế, số tiền này tương ứng với số tiền cần thiết để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Các quốc gia cũng nhất trí về các quy tắc cho thị trường toàn cầu để mua và bán tín chỉ carbon mà những người đề xuất cho rằng có thể huy động thêm hàng tỷ USD vào các dự án mới nhằm chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, từ tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.

Việc đảm bảo thỏa thuận tài chính khí hậu đã là một thách thức ngay từ đầu.

Ông Donald Trump sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ trong tháng này đã làm dấy lên nghi ngờ trong số một số nhà đàm phán rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không chi trả cho bất kỳ mục tiêu tài chính khí hậu nào đã được thỏa thuận tại Baku. Ông Trump đã gọi biến đổi khí hậu là trò lừa bịp và hứa sẽ một lần nữa loại Mỹ khỏi hợp tác khí hậu quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng những người tham dự COP29 vì đã đạt được thỏa thuận mà ông gọi là lịch sử giúp huy động các nguồn quỹ cần thiết, nhưng cũng cho biết vẫn còn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

"Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng kết quả ngày hôm nay đã đưa chúng ta tiến gần hơn một bước đáng kể. Thay mặt cho người dân Mỹ và các thế hệ tương lai, chúng ta phải tiếp tục đẩy nhanh công việc của mình để giữ cho hành tinh sạch hơn, an toàn hơn và lành mạnh hơn trong tầm tay chúng ta", Biden cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc chiến về tài chính hỗ trợ chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển diễn ra trong một năm mà các nhà khoa học dự đoán sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử. Những tai ương về khí hậu đang chồng chất, với lũ lụt trên diện rộng giết chết hàng nghìn người trên khắp Châu Phi, lở đất chết người chôn vùi các ngôi làng ở Châu Á và hạn hán ở Nam Mỹ khiến các con sông thu hẹp lại.

Các nước phát triển cũng không thoát khỏi thảm họa. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở Valencia, Tây Ban Nha, tháng trước khiến hơn 200 người thiệt mạng, và tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 24 thảm họa gây ra thiệt hại lên tới 24 tỷ USD.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cop29-dat-thoa-thuan-ho-tro-300-ty-usd-cho-cac-nuoc-dang-phat-trien-chong-bien-doi-khi-hau-95055.html
Zalo