Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái: Nhức nhối 'Đại dịch trong bóng tối'

'Đại dịch trong bóng tối' là cách mà Liên Hợp Quốc gọi tên vấn nạn bạo lực bùng lên khủng khiếp đối với phụ nữ hồi tháng 11/2021 bởi sự giãn cách và cách ly xã hội trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang hồi ác liệt. Nhưng đến nay, sau 3 năm, trong khi đại dịch Covid-19 đã hạ nhiệt thì vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không những không thuyên giảm mà có phần còn diễn tiến ngày càng đáng quan ngại, nhức nhối.

8 phụ nữ sẽ có 1 người, từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trước tuổi 18….

Con số thống kê kinh hoàng ấy vừa được báo Anh Guardian dẫn báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 10/10/2024 vừa qua. Theo đó, UNICEF từ các cuộc khảo sát được tiến hành suốt từ năm 2010-2022 tại 120 quốc gia và khu vực, thống kê cho thấy hơn 370 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu, tức là cứ trong tám người sẽ có một người, từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trước tuổi 18.

Thậm chí, theo UNICEF, nếu tính cả những hành vi bạo lực tình dục “gián tiếp”, như những bình luận hoặc trò đùa tình dục không mong muốn, bị ép tiếp xúc với ấn phẩm khiêu dâm, con số nạn nhân sẽ lên tới 650 triệu phụ nữ và trẻ em, tức cứ trong năm người sẽ có một người từng là nạn nhân. Điều đáng nói, vấn nạn này không chỉ tập trung riêng ở một khu vực nào mà xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tỉ lệ nạn nhân cao nhất được ghi nhận ở Châu Đại Dương, nơi 34% phụ nữ, tương đương 6 triệu người, từng bị xâm hại hoặc cưỡng hiếp. Hơn 79 triệu trẻ em gái và phụ nữ ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi cũng đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trước khi bước sang tuổi 18.

Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên hợp quốc lấy là “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế; là dịp để các các nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Thực trạng và những con số đau lòng này lại được tái khẳng định tại một sự kiện khác vừa diễn ra: Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em được tổ chức tại Bogota, Colombia với sự tham gia của 130 quốc gia, hơn 80 Bộ trưởng cùng với các nhà lãnh đạo trẻ, các trẻ em, thanh thiếu niên - nạn nhân của tình trạng bạo lực. Theo số liệu của WHO được đưa ra tại Hội nghị, hơn một nửa số trẻ em trên toàn cầu, tức khoảng 1 tỷ em đang phải chịu nhiều hình thức bạo lực khác nhau (bạo lực học đường, bạo lực tình dục, bạo lực trên mạng…) dẫn đến những rủi ro đáng kể về sức khỏe và vi phạm quyền con người, trong đó đến 40.000 trẻ em bị giết hại mỗi năm.

Một thống kê đau lòng khác được đưa ra bởi người đứng đầu Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày thế giới phòng chống mua, bán người năm nay (30/7/2024), rằng có tới… 1/3 số nạn nhân của nạn mua bán người trên thế giới là trẻ em.

 Biểu tình phản đối bạo lực giới ở Manchester, Anh, ngày 29/11/2023. Ảnh: Reuters

Biểu tình phản đối bạo lực giới ở Manchester, Anh, ngày 29/11/2023. Ảnh: Reuters

Ngày 22/7, truyền thông nước ngoài dẫn số liệu thống kê từ người đứng đầu Liên hợp quốc cho thấy, trẻ em chiếm 1/3 số nạn nhân của nạn mua bán người, bao gồm phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.

Điều đáng quan ngại hơn nữa là vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em không chỉ xảy đến tại các nước nghèo, kém phát triển mà còn xảy đến ngay tại những quốc gia phát triển, những nơi có nền văn hóa văn minh lâu đời. Nước Anh là ví dụ. Báo cáo của lực lượng hành pháp Anh công bố ngày 23/7/2024 cho thấy tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái tại nước này đang ở mức báo động quốc gia với gần 3.000 ca mỗi ngày.

Cụ thể, cứ 12 phụ nữ ở Anh lại có một người là nạn nhân của bạo lực và con số chính xác có thể cao hơn nhiều. Con số này được cho là còn thấp hơn con số trên thực tế bởi nhiều vụ không được trình báo. So với thời kỳ 2018 - 2019, nạn bạo lực với phụ nữ và bé gái đã tăng tới 37%. Tội phạm lạm dụng tình dục và bóc lột trẻ em cũng tăng 435% từ năm 2013 tới 2022, từ hơn 20.000 ca lên gần 107.000 ca. Trong năm 2022 - 2023, cảnh sát Anh ghi nhận 3.000 vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái mỗi ngày - chiếm 20% tổng số các vụ vi phạm pháp luật được báo cáo. Nhưng con số thực tế có thể gấp đôi vì nhiều phụ nữ không trình báo với cảnh sát.

Tình trạng xung đột, chiến tranh các khiến vấn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em diễn ra tồi tệ hơn nữa trên phạm vi toàn cầu. Những con số được Liên hợp quốc đưa ra trong bản cáo báo cuối tháng 10 vừa qua minh chứng rõ cho điều đó. Cụ thể, hiện có khoảng 612 triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tăng 50% so với thập kỷ trước đó. Tỷ lệ phụ nữ thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang đã tăng gấp đôi vào năm 2023 so với một năm trước đó. Trong số đó, đau lòng nhất là những phụ nữ đang mang thai.

Theo ước tính mới đây của tổ chức quốc tế CARE, 40% trường hợp mang thai tại Gaza phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao bởi bệnh tật lây lan, nạn đói rình rập, mức độ thiếu máu cao đến mức nguy cơ băng huyết sau sinh, dịch vụ chăm sóc trước khi sinh gần như không tồn tại, ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con bên ngoài các cơ sở y tế - trong các trại tị nạn, thậm chí trên đường phố - hơn là trong các bệnh viện.

Các trường hợp bạo lực tình dục liên quan đến xung đột cao hơn 50% và số trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi các vi phạm nghiêm trọng trong các cuộc xung đột đã tăng 35%; cứ hai phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh xung đột thì có một người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ trung bình đến nghiêm trọng, 61% tổng số ca tử vong ở bà mẹ tập trung tại 35 quốc gia bị xung đột.

Còn theo UN Women, mỗi ngày có 500 phụ nữ và trẻ em gái ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đã tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh nở. Tại Sudan, hầu hết các nạn nhân của bạo lực tình dục đều không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong 72 giờ đầu tiên sau khi bị cưỡng hiếp, bao gồm cả biện pháp tránh thai khẩn cấp.

Cần thêm nhiều nỗ lực để gột rửa những vết nhơ

“Bạo lực tình dục đối với trẻ em là một vết nhơ trong lương tâm đạo đức của chúng ta… Hành vi này gây ra chấn thương sâu sắc và lâu dài, thường là bởi người mà đứa trẻ quen biết và tin tưởng, ở những nơi mà chúng đáng lẽ phải cảm thấy an toàn” - Tổng Giám đốc UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh trước thực trạng báo động tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em gái và phụ nữ.

Trước tệ nạn mua bán người, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tăng cường các phản ứng bảo vệ - bao gồm các cơ chế tư pháp với trẻ em, nâng cao nhận thức, hỗ trợ trẻ em không có người đi cùng khi thực hiện các hoạt động di chuyển, chăm sóc cho những nạn nhân sống sót và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc bóc lột bằng cách hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương”. “Chúng ta hãy đổi mới cam kết của mình vì một tương lai mọi trẻ em đều được an toàn và tự do” - ông Guterres nhấn mạnh.

 Những phụ nữ có con nhỏ chờ để được chăm sóc y tế bên ngoài Bệnh viện Nhi khoa Ý ở Port Sudan vào ngày 8/10/2024. Ảnh: AFP

Những phụ nữ có con nhỏ chờ để được chăm sóc y tế bên ngoài Bệnh viện Nhi khoa Ý ở Port Sudan vào ngày 8/10/2024. Ảnh: AFP

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng từng tuyên bố: “Mỗi mất mát càng cho thấy sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và nỗ lực hết mình chấm dứt các cuộc xung đột”. Phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) - diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới hồi tháng 3, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh tác động không cân xứng của chiến tranh đối với phụ nữ và theo đánh giá của người đứng đầu Liên hợp quốc, tại các khu vực xung đột trên toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu đựng nhiều nhất do các cuộc chiến tranh do nam giới gây ra.

Còn bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành UN Women, trước thực trạng nhức nhối và quá đau lòng của phụ nữ, trẻ em trong các cuộc xung đột, chiến tranh hiện nay đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không đứng lên và đòi hỏi thay đổi, hậu quả sẽ còn kéo dài”.

Nhưng từ lời nói đến hành động luôn là hành trình không hề ngắn. Đơn cử như lời kêu gọi của ông Guterres về ngừng bắn ngay lập tức và viện trợ nhân đạo cho người dân tại các khu vực xung đột. Thế cuộc tại các khu vực đang xung đột cho thấy lời kêu gọi này ngày càng trở nên bất khả thi. Và một khi tiếng súng còn nổ ra, những nỗi sợ hãi của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan bị tước đoạt quyền được giáo dục và tương lai; nỗi khổ sở của những người phụ nữ ở Gaza; thảm kịch nạn nhân bạo lực tình dục của những phụ nữ ở Sudan và những nơi khác… sẽ còn tiếp tục không được được lắng nghe, quan tâm, cảm thấu.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-luc-voiphu-nu-va-tre-em-gai-nhuc-nhoi-dai-dich-trong-bong-toi-post321266.html
Zalo