COP29: Các nước giàu nhất trí tăng hỗ trợ khí hậu lên 300 tỷ USD

Các quốc gia đã nhất trí vào Chủ nhật về mục tiêu tài trợ hàng năm là 300 tỷ USD để giúp các nước nghèo ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại hội nghị khí hậu COP29 của Liên hợp quốc ở Baku, Azerbaijan.

Thỏa thuận mới này nhằm thay thế cam kết trước đây của các nước phát triển về việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ khí hậu cho các quốc gia nghèo vào năm 2020. Mục tiêu đó đã đạt được chậm hai năm, vào năm 2022 và hết hạn vào năm 2025.

 Các đại biểu vỗ tay sau khi đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển tại COP29 vào ngày 23/11/2024. Ảnh: Reuters

Các đại biểu vỗ tay sau khi đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển tại COP29 vào ngày 23/11/2024. Ảnh: Reuters

300 tỷ USD vẫn là quá ít

Ban đầu các nước phát triển chỉ đồng ý chi 250 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn mới (2025-2035). Đây được xem như khoản đền bù để hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với sự nóng lên toàn cầu, hiện tượng phần lớn do các nước giàu gây ra bởi việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch từ trước đến nay. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị phản đối quyết liệt, dẫn đến COP29 phải kéo dài thêm thời gian, trước khi các nước giàu đồng ý nâng mức hỗ trợ 300 tỷ USD kể trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi khoản tiền hỗ trợ đã được tăng lên 300 tỷ USD thì nó vẫn được đánh giá là quá ít và không khiến các nhà đàm phán từ những nước nghèo hài lòng, những nước không chịu trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu song đang là những nước phải chịu nhiều thiệt hại nhất do hiện tượng mà phần lớn do những nước giàu gây ra này.

Dẫu vậy, Giám đốc phụ trách khí hậu của Liên hợp quốc Simon Steill vẫn ca ngợi nó như một chính sách bảo hiểm cho nhân loại. "Đó là một chặng đường khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt được thỏa thuận", Steill cho biết sau khi thỏa thuận được thông qua.

Hội nghị COP29 dự kiến kết thúc vào thứ Sáu, nhưng đã phải kéo dài thêm thời gian vì các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về kế hoạch tài trợ khí hậu cho thập kỷ tới.

Các quốc gia cũng đã nhất trí vào tối thứ Bảy về các quy tắc cho thị trường toàn cầu để mua và bán tín chỉ carbon mà những người đề xuất cho rằng có thể huy động thêm hàng tỷ đô la vào các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, từ tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.

Như đã biết, các quốc gia đang đấu tranh tìm nguồn tài chính để thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp - mức mà nếu vượt quá có thể gây ra những tác động thảm khốc về khí hậu.

Theo báo cáo Khoảng cách phát thải của Liên hợp quốc năm 2024, thế giới hiện đang trên đà nóng lên tới 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này, với lượng khí thải nhà kính toàn cầu và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng.

Những quốc gia nào phải đóng góp?

Danh sách các quốc gia được yêu cầu đóng góp - khoảng hai chục quốc gia công nghiệp hóa, bao gồm Mỹ, các quốc gia châu Âu và Canada - có từ danh sách được quyết định trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc năm 1992.

Các quốc gia châu Âu đã yêu cầu những nước khác tham gia đóng góp, bao gồm Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và các quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Tuy nhiên, thỏa thuận mới khuyến khích các nước này đóng góp, nhưng không bắt buộc.

Thỏa thuận mới cũng bao gồm mục tiêu xa hơn là huy động 1,3 nghìn tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm trong giai đoạn tiếp theo (từ sau năm 2035) - bao gồm nguồn tài trợ từ tất cả các nguồn công và tư. Theo các nhà kinh tế, số tiền này rất cần thiết để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu khi đó.

Cuộc chiến về tài chính cho các nước đang phát triển diễn ra trong một năm mà các nhà khoa học cho rằng sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử. Những tai ương về khí hậu đang chồng chất do sự nóng lên của toàn cầu. Lũ lụt và cả hạn hán trên diện rộng giết chết hàng nghìn người trên khắp châu Phi. Mưa bão và lở đất chôn vùi các ngôi làng ở châu Á. Nắng nóng gây ra cháy rừng và khiến các con sông thu hẹp lại ở châu Mỹ.

Các nước phát triển cũng không thoát khỏi thảm họa. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt ở Tây Ban Nha vào tháng trước, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Và tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 24 thảm họa thiên nhiên có thiệt hại từ 24 tỷ đô la trở lên, chỉ ít hơn 4 thảm họa so với năm ngoái.

Hoàng Anh (theo COP29, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cop29-cac-nuoc-giau-nhat-tri-tang-ho-tro-khi-hau-len-300-ty-usd-post322632.html
Zalo