Công ước Hà Nội: Nền tảng pháp lý để truy quét tội phạm mạng

Công ước Hà Nội là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường hợp tác với quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng.

Hôm 28-12, theo thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu, các lực lượng Công an Việt Nam (VN) phối hợp với các ngành chức năng Campuchia đã phá thành công chuyên án 0924L, bắt giữ nhóm tội phạm chuyên sử dụng mạng và công nghệ để lừa đảo xuyên biên giới với quy mô lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Trước đó không lâu (tháng 11-2024), Công an TP Hà Nội cũng đã phối hợp với các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP.HCM triệt phá đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo xuyên quốc gia, khởi tố 18 bị cáo và phong tỏa hàng ngàn tỉ đồng.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ án lớn liên quan đến tội phạm mạng (TPM) xuyên quốc gia được Công an VN triệt phá trong năm qua và những năm gần đây.

 Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào ngày 24-12. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào ngày 24-12. Ảnh: TTXVN

Sự năng động của VN

Có thể nói VN là một trong những quốc gia rất năng động, chủ động và quyết liệt trong việc triệt phá TPM trong bức tranh về nhóm tội phạm này ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm nhờ sự phát triển thần tốc của công nghệ, đặc biệt là các loại công nghệ mới. Ở trong nước, VN đã xây dựng và thông qua Luật An ninh mạng (ANM) năm 2018, tạo ra cơ sở pháp lý để xử lý TPM.

Ở phạm vi xuyên quốc gia, bức tranh TPM rất đa sắc màu, như dùng phần mềm phát tán tin nhắn lôi kéo người dùng tham gia đánh bạc, vay tín dụng đen; dùng chiêu trò đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng; làm giả thông tin để chiếm đoạt tài sản; kêu gọi đầu tư trên các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán, cổ phiếu trái phép; lừa khách tham gia mua bán, đấu giá các loại tài sản giá trị cao; lừa đảo bằng hình thức tặng quà, nhận đồ giúp; thậm chí là sử dụng mạng Internet để kết bạn, yêu đương qua mạng rồi tìm cách lừa tiền…

Sự phức tạp của TPM còn nằm ở sự thoắt ẩn thoắt hiện của các nhóm tội phạm. Có những nhóm đặt trụ sở, chi nhánh để thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều quốc gia khác nhau, dưới nhiều hình thức pháp nhân khác nhau, được ngụy trang bằng nhiều lớp vỏ bọc khác nhau và áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều tình huống lừa đảo hoàn hảo.

Gõ từ khóa “lừa đảo qua mạng” trên Google sẽ xuất hiện hơn 19 triệu kết quả trong vòng chưa đến 1 giây, trong khi từ khóa “lừa đảo qua mạng xuyên biên giới” xuất hiện hơn 8,5 triệu kết quả. Thiệt hại do TPM gây ra cho nền kinh tế thế giới năm 2025 dự báo lên đến khoảng 10.500 tỉ USD, con số vượt qua và thậm chí vượt xa chỉ số GDP của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với tính chất và quy mô như vậy, các vụ án TPM thường tạo ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan chức năng, làm hao tốn nhiều thời gian, nguồn lực và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ về mặt nghiệp vụ và pháp lý để triệt phá án.

Vì lẽ đó, Công an VN, Chính phủ VN đã và đang hợp tác với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, nhiều nước ở châu Âu, Mỹ và với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để điều tra và xử lý.

Công ước Hà Nội khẳng định uy tín, sự đóng góp của Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm mạng trong nước và xuyên quốc gia; đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái về Luật An ninh mạng Việt Nam thời gian qua.

Nền tảng pháp lý quan trọng

Mới nhất, ngày 24-12 (giờ New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về TPM, sẽ được mở ký tại VN vào năm 2025, với tên gọi là Công ước Hà Nội. Đây là thành quả lớn của các quốc gia trên thế giới, trong đó VN là một bên năng động và đóng góp nhiều vào quá trình đàm phán kéo dài suốt gần năm năm.

GS - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Hội đồng Lập pháp quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc, nhận xét khi so sánh Luật ANM VN năm 2018 với Công ước Hà Nội sẽ thấy nhiều điểm tương đồng.

Ông Thao đưa ra ví dụ: Khoản 1 Điều 2 Luật ANM quy định ANM là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hay như khoản 2 Điều 3 của luật này cũng quy định xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong khi Công ước Hà Nội nhận diện TPM gồm hai nhóm (i) tội phạm có khả năng sử dụng mạng (cyber-enabled) và (ii) tội phạm phụ thuộc hoàn toàn vào mạng (cyber-dependent crimes) thì Luật ANM VN cũng quy định TPM là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại BLHS.

Việc Công ước Hà Nội được các nước quyết định ký kết vào thời gian tới càng khẳng định uy tín, sự đóng góp của VN trong công tác phòng, chống TPM trong nước và xuyên quốc gia; đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái về Luật ANM VN trong thời gian qua.

Đặc biệt, Công ước Hà Nội có sự tham gia thảo luận, đàm phán không chỉ từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế mà còn các tổng công ty mạng lớn trên thế giới.

Công ước đã được cân đối các cặp yếu tố như giữa (i) phòng, chống, xử lý tội phạm quốc tế và (ii) chủ quyền, quyền tự chủ, tự quyết của quốc gia; giữa (i) lợi ích chung của cộng đồng với (ii) lợi ích cá nhân, quyền nhân thân, bảo mật thông tin cá nhân…

Sự toàn diện của công ước này tạo nền tảng pháp lý để VN có thể xem xét điều chỉnh, triển khai hiệu quả hơn Luật ANM năm 2018 trong bối cảnh hệ thống công nghệ thông tin toàn cầu đang trong giai đoạn cách mạng mạnh mẽ và toàn diện.

Bên cạnh đó, Công ước Hà Nội cũng là chất kết dính giúp VN có đủ nền tảng pháp lý để phối hợp mạnh mẽ hơn với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu trong việc đề phòng và triển khai công tác điều tra, phá các vụ án TPM quy mô quốc tế; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống các vụ án TPM trong nước.

Công ước Hà Nội có thể xem là một nền tảng pháp lý quan trọng về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung và TPM nói riêng mà thế giới đã xây dựng trong suốt nhiều thập niên qua.

Công ước này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang rất toàn diện, sâu rộng, giúp thúc đẩy dòng vốn, hàng hóa, nhân lực, công nghệ… một cách dễ dàng nhưng cũng vô tình tạo ra “tác dụng phụ” là sự lan tràn của các cá nhân, nhóm hay thậm chí là những “tập đoàn” tội phạm quy mô lớn, xuyên biên giới, tinh vi và nguy hiểm.•

ĐẠI THẮNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-uoc-ha-noi-nen-tang-phap-ly-de-truy-quet-toi-pham-mang-post827471.html
Zalo