Công ty Trung Quốc 'cho phép' nhân viên đi vệ sinh miễn phí
Doanh nghiệp còn liệt kê hàng loạt 'phúc lợi' như không tính tiền điện khi làm thêm giờ, dùng thang máy miễn phí hay ăn vặt buổi chiều vào tin tuyển dụng đăng tải trên MXH.

Thị trường lao động Trung Quốc ngày càng khốc liệt, tạo ra nhiều thách thức cho nhân sự. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels.
Một công ty tại Trung Quốc đang trở thành tâm điểm bàn tán khi đăng tin tuyển dụng kèm theo những “phúc lợi” gây tranh cãi như sử dụng nhà vệ sinh và dùng thang máy miễn phí.
Mẩu tin tuyển dụng này còn ghi rõ rằng nhân viên sẽ không bị tính tiền điện khi làm ngoài giờ. Bài đăng xuất hiện trên tài khoản mạng xã hội Workplace Slackers vào ngày 29/4, nơi có gần 4,4 triệu người theo dõi.
Ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bài viết trên lập tức kéo theo làn sóng phản ứng dữ dội. Phần lớn cho rằng công ty này đưa ra thông tin vô lý, coi những điều hiển nhiên là “quyền lợi” của nhân sự, theo SCMP.

Doanh nghiệp Trung Quốc bị chỉ trích vì đăng bài tuyển dụng vô lý. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Những điều tưởng tất yếu trở thành "phúc lợi" đối với một doanh nghiệp Trung Quốc, gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.
‘Phúc lợi’ độc lạ
Bài viết không tiết lộ tên công ty hay chức danh tuyển dụng cụ thể, chỉ nêu một số thông tin cơ bản liên quan đến công việc. Vị trí này chủ yếu bao gồm tác vụ xử lý đơn hàng, yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm, chú ý chi tiết và sử dụng thành thạo Excel.
Nhân viên làm theo ca 8 tiếng mỗi ngày, với ca sáng từ 9h-18h hoặc ca chiều từ 13h-22h, đều có một tiếng nghỉ giữa giờ.
Lương thử việc được đề xuất ở mức 4.000 NDT/tháng (khoảng 550 USD), nghỉ 4 ngày mỗi tháng và được trả lương gấp đôi vào dịp lễ, Tết.
Tuy nhiên, điều khiến công chúng phản ứng mạnh là hàng loạt yếu tố được công ty xem như “phúc lợi”, bao gồm đi vệ sinh, dùng thang máy miễn phí và không mất tiền điện khi làm ngoài giờ.
Ngoài ra, công ty còn bổ sung các quyền lợi như tiệc ăn vặt buổi chiều, đồ ăn nhẹ khuya và hoạt động team building định kỳ. Nhân viên làm đủ một năm sẽ được tăng 100 NDT (14 USD) vào lương cơ bản mỗi tháng.

Mô hình làm việc “996” trở thành đặc trưng của thị trường lao động Trung Quốc, khiến người lao động phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.
Chủ đề gây tranh cãi
Thông tin này nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi lẫn châm biếm trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một người bình luận: “Mấy cái gọi là ‘phúc lợi’ này lẽ ra phải là điều tất yếu chứ? Sao lại liệt kê vào thông báo tuyển dụng như ban ơn vậy?”
Người khác đặt câu hỏi: “Công ty này nghĩ họ là thần thánh hay vị cứu tinh chắc?”.
Phản ứng dữ dội trên diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt. Người lao động ở xứ tỷ dân phải đối mặt với nhiều thách thức như giờ làm kéo dài, thu nhập thấp, điều kiện làm việc kém và an sinh không đảm bảo.
Ở nhiều ngành nghề, mô hình làm việc “996” (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) vẫn đang được áp dụng, gây ra nhiều tranh cãi.
Người lao động từ 35 tuổi trở lên cũng gặp khó khăn khi xin việc do tình trạng phân biệt tuổi tác ngày càng phổ biến. Một số doanh nghiệp còn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
Tình hình trở nên đặc biệt khó khăn với người trẻ. Năm nay, hơn 12 triệu sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc sẽ bước vào thị trường lao động, trong khi cơ hội việc làm lại hạn chế, càng làm nổi bật hiện thực khắc nghiệt ở quốc gia này.
Theo Luật Hợp đồng Lao động Trung Quốc, người lao động không được làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày và 44 tiếng mỗi tuần. Nhà tuyển dụng cũng bắt buộc phải đóng bảo hiểm hưu trí, y tế và thất nghiệp cho nhân viên.