Công ty Phúc Trường Linh có vai trò gì trong vụ kiện kéo dài?
Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định đã ra quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Vận tải biển Cửu Long (Công ty Cửu Long) và bị đơn là Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn).
Hoãn phiên tòa vì thiếu đối tác của Cảng Quy Nhơn
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 19/2025/QĐST-KDTM ngày 24/1/2025, về việc hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2024/TLST-KDTM ngày 23/1/2025. Vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa Công ty Cửu Long và Cảng Quy Nhơn, với nội dung tuyên bố hợp đồng kinh tế vô hiệu.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 12/10/2016, Công ty Cửu Long (bên A) và Cảng Quy Nhơn (bên B) đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 (gọi tắt là Hợp đồng 274) về việc thuê tàu lai dắt hỗ trợ tàu thuyền ra/vào Cảng Quy Nhơn.
Theo thỏa thuận trong Hợp đồng 274, bên B cam kết thuê tàu lai dắt của bên A để thực hiện hoạt động hỗ trợ tàu thủy của khách hàng bên B khi ra vào cảng. Hợp đồng có thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, đến tháng 12/2018, hai bên phát sinh tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, dẫn đến vụ kiện kéo dài đến nay.
Tại phiên tòa ngày 24/1/2025, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh (Công ty Phúc Trường Linh) vắng mặt khiến Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo quá trình xét xử diễn ra đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Trong vụ án này, đại diện Công ty Phúc Trường Linh là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Công ty Phúc Trường Linh cũng chính là đối tác cung cấp dịch vụ tàu lai dắt cho Cảng Quy Nhơn trong khi hợp đồng với Công ty Cửu Long còn hiệu lực.
Vai trò của doanh nghiệp “bí ẩn” Phúc Trường Linh và những dấu hỏi về tính minh bạch
Công ty Phúc Trường Linh không phải là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ kiện giữa Công ty Cửu Long và Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong vụ án do liên quan trực tiếp đến hợp đồng dịch vụ mà hai bên tranh chấp.
Cụ thể, ngày 12/10/2016, Công ty Cảng Quy Nhơn ký Hợp đồng số 274 với Công ty Cửu Long về việc cung cấp dịch vụ lai dắt tàu. Hợp đồng này vẫn còn hiệu lực, nhưng đến ngày 10/12/2018, Cảng Quy Nhơn lại ký một hợp đồng khác với Công ty Phúc Trường Linh (Hợp đồng số 12.2018/QNP-PTL), qua đó chuyển toàn bộ công việc lai dắt tàu từ Công ty Cửu Long sang Công ty Phúc Trường Linh. Điều này dẫn đến tranh chấp hợp đồng, khi Công ty Cửu Long cho rằng quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Luật sư Lê Minh Công, đại diện pháp lý của Công ty Cửu Long, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp này đã nhiều lần yêu cầu giám định chữ ký của bà Phạm Thị Bích Nga - Giám đốc Công ty Phúc Trường Linh, vì có dấu hiệu chữ ký trong hợp đồng không thống nhất. Đồng thời, bà Nga cũng nhiều lần không có mặt tại tòa án dù đã nhận được giấy triệu tập, làm dấy lên nghi vấn về tính hợp pháp của hợp đồng giữa Cảng Quy Nhơn và Công ty Phúc Trường Linh.
Một điểm đáng chú ý là dù có vai trò quan trọng trong vụ tranh chấp, Công ty Phúc Trường Linh lại không thể hiện rõ ràng sự hiện diện của mình trên thực tế. Theo tìm hiểu của PV, công ty này có trụ sở tại số 1 đường Thanh Niên, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng. Doanh nghiệp này đăng ký lần đầu vào ngày 25/12/2012, đăng ký thay đổi lần thứ ba vào ngày 20/3/2020 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do bà Phạm Thị Bích Nga nắm giữ 60% tỷ lệ vốn góp làm Giám đốc và ông Trần Tuấn Linh nắm giữ 40% vốn góp còn lại. Tuy nhiên, trụ sở của doanh nghiệp này chỉ là một căn nhà không có biển hiệu công ty và thường xuyên trong tình trạng đóng cửa, gây khó khăn cho việc liên hệ làm việc.
Ngoài ra, Công ty Phúc Trường Linh cũng đang có hợp đồng hợp tác kinh doanh kéo dài 10 năm với Cảng Quy Nhơn với tổng giá trị lên đến 324 tỷ đồng. Việc một doanh nghiệp không có biển hiệu, không hoạt động rõ ràng nhưng vẫn tham gia các hợp đồng giá trị lớn đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về tính minh bạch trong các giao dịch liên quan đến Cảng Quy Nhơn.
Luật sư Lê Minh Công khẳng định, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều phải có trụ sở và biển hiệu rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động. Việc không có biển hiệu, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký bị xem là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị đình chỉ hoạt động.