Công ty Phú Xuyên: Lãi mỏng, nợ ngất ngưởng vẫn trúng thầu liên tục
Một doanh nghiệp lợi nhuận 'lẹt đẹt' chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm như Công ty TNHH Phú Xuyên lại liên tục trúng các gói thầu tại địa phương lên tới nghìn tỷ đồng.
"Chiến binh bất bại" tại Đắk Lắk, tổng giá trị trúng thầu hơn 2.300 tỷ
Công ty TNHH Phú Xuyên có địa chỉ tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, thành lập năm 2007 với loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; người đại diện pháp luật Nguyễn Văn Hùng.
Theo thông tin trên cổng đấu thầu quốc gia, nhân sự của Công ty TNHH Phú Xuyên là 16 nhân viên. Quy mô doanh nghiệp nhỏ nhưng lại rất “có võ” khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu.
Theo tìm hiểu của PV, công ty Phú Xuyên được phê duyệt trên mạng đấu thầu quốc gia tháng 9/2015 đến nay đã tham gia và trúng 155/162 gói thầu, trượt 5 gói, 2 gói đang chờ kết quả. Tổng giá trị trúng thầu gần 2.363 tỷ đồng (với 53,92 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu).
Trong đó với vai trò nhà thầu độc lập hơn 2.318 tỷ đồng, với vai trò liên danh 44,88 tỷ đồng. Tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia dự thầu khoảng 91,06%. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán khoảng 99,66%. Từng "đấu" với 11 nhà thầu thắng 13/19 gói, thua 4 gói, 2 gói chưa có kết quả. Từng liên danh với 5 nhà thầu thắng 5/5 gói thầu.
Phú Xuyên là khách hàng thường xuyên của một số bên mời thầu: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Buôn Đôn; Ban quản lý dự án xây dựng huyện Lăk; Ban quản lý dự án xây dựng huyện Ea H'Leo; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cư M'gar; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Buôn Hồ... Không biết tình cờ hay hữu ý mà nhà thầu Phú Xuyên gần như đấu là trúng!?
Như vậy nhà thầu Phú Xuyên chỉ quanh quẩn trong “ao làng” nhưng lại là “chiến binh bất bại” khi gần như độc lập và càn quét khắp các gói thầu “khủng” tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo thống kê lịch sử trúng thầu, trong năm 2022, một mình Phú Xuyên đã trúng gói thầu Xây lắp của Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Lắk với giá trị đến 26,7 tỷ đồng. Trong năm 2023, Phú Xuyên lại trúng thầu với giá trị gần 25 tỷ đồng từ bên mời thầu Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển An Dũng...
Kinh doanh khiêm tốn, tài sản nhỏ nhưng vẫn có "võ"?
Mặc dù trúng hàng loạt gói thầu vài chục tỷ, tổng giá trị tính đến hiện tại vài nghìn tỷ đồng nhưng bức tranh tài chính Công ty TNHH Phú Xuyên không mấy sáng sủa với lợi nhuận chỉ ở mức vài trăm triệu đồng, trong khi đó nợ gấp 4 lần vốn khiến cho hoạt động kinh doanh rất khó khăn.
Đơn cử như năm 2023, doanh thu thuần của Phú Xuyên tăng 35% so năm trước lên mức 97,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lãi gộp năm này giảm đến 18% còn 5,1 tỷ đồng.
Nhờ tăng doanh thu tài chính tăng từ 9 tỷ lên 12 tỷ, đồng thời Phú Xuyên giảm mạnh chi phí quản lý giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gấp 2,1 lần năm 2022. Trừ đi các chi phí khác và thuế, Phú Xuyên lãi gần 461 triệu đồng. Còn trong năm 2022, con số lãi chỉ ở mức 277 triệu đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 chỉ ở mức hơn 2 tỷ đồng... Có thể thấy rằng mỗi năm doanh nghiệp này lãi chỉ vài trăm triệu.
Tổng tài sản của nhà thầu này ở mức 90 tỷ đồng cuối năm 2023, tăng 18% so với con số 76 tỷ đồng của năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do tăng thuế GTGT được khấu trừ và giảm thuế và các khoản khác phải thu Nhà nước; Tăng tiền và các khoản tương đương tiền…
Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Công ty Phú Xuyên chiếm hơn 73 tỷ đồng; trong khi đó vốn chủ sở hữu của công ty chỉ hơn 16,5 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty gấp 4,4 lần.
Trong khi đó, năm 2022 hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 3,6 lần.
Tỷ lệ D/E cao cho thấy Công ty Phú Xuyên sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Trong cơ cấu nợ phải trả 73 tỷ, có đến 49 tỷ đồng phải trả khác nhưng không được thuyết minh cụ thể, doanh nghiệp không vay nợ tài chính.
Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Thực tế, các mức lợi nhuận, quy mô vốn của Phú Xuyên chỉ được xếp vào nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với kết quả kinh doanh khiêm tốn cùng tổng tài sản khá nhỏ, nợ trên vốn lại rất cao, câu hỏi đặt ra là vì sao doanh nghiệp này có thể trúng thầu hàng loạt dự án tại Đắk Lắk? Bởi với tiềm lực tài chính khá mỏng cũng như hiệu quả kinh doanh thấp, liệu Phú Xuyên có đủ năng lực tài chính để triển khai thi công cùng lúc nhiều dự án hay không?
Việc một doanh nghiệp liên tục trúng các gói thầu lớn trên cùng một địa phương, vượt quá khả năng vốn tự có của doanh nghiệp đặt ra nhiều nghi vấn về tính minh bạch!?