Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam: Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động
Chuyển đổi số đã trở thành chiến lược quốc gia quan trọng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong việc định hướng tương lai, tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số. Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc đưa ra các chính sách chuyển đổi số đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và chứng khoán. Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tự hào là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai chuyển đổi số, từng bước xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số và sự phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất tại VCBS
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là sự thay đổi về tư duy, mô hình tổ chức và cách thức quản lý. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Ngày 27-11-2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 1874/QĐ-BTC về “Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.” Với nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện đó là: (i) Chuyển đổi nhận thức: Nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp bách của chuyển đổi số, phổ biến tư tưởng của Đảng và gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chuyển đổi số. (ii) Kiến tạo thể chế: Khuyến khích sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh số, nhằm thúc đẩy phương thức quản lý mới phù hợp với quá trình chuyển đổi số.
C.Mác khẳng định rằng, khi lực lượng sản xuất thay đổi, các doanh nghiệp và tổ chức không thể tiếp tục duy trì các phương thức sản xuất cũ mà phải thay đổi để phù hợp với trình độ mới. Dưới góc nhìn lý luận, quá trình chuyển đổi số là sự phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất trong kỷ nguyên hiện đại. Thông qua quá trình chuyển đổi số, VCBS đã và đang phát triển lực lượng sản xuất của mình bằng cách áp dụng các công nghệ mới, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm chi phí vận hành và nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự xuất hiện của chữ ký số, E-Contract, E-KYC... là những biểu hiện cụ thể của sự phát triển này. Trong môi trường số hóa, dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Việc sử dụng hợp đồng điện tử và chữ ký số đã giúp tái cấu trúc mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch. VCBS đang sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa quy trình và đưa ra các quyết định dựa trên phân tích thực tế. Những công nghệ này giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thời đại, đồng thời tạo ra những giá trị mới trong sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, giảm thiểu sai sót, tăng cường tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch tài chính.
Thực trạng chuyển đổi số ở VCBS
VCBS được thành lập ngày 7-1-2002 trực thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - là 1 trong 4 cái tên nổi bật của ngành ngân hàng tại Việt Nam với vốn hóa lớn, có độ uy tín cao, được nhiều khách hàng tin cậy. Sàn chứng khoán VCBS tự hào là một trong những công ty đầu tiên tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đã tạo dựng được thương hiệu và uy tín là một trong những công ty dẫn đầu trên thị trường trong nhiều năm.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành tài chính thế giới đi đầu trong chuyển đổi số. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT)… đã và đang định hình lại cách thức vận hành của các tổ chức tài chính, giao dịch và hoạt động tương tác với khách hàng. Lực lượng sản xuất không còn gắn liền với các hoạt động thủ công hay phụ thuộc nhiều vào sức lao động như trước đây. Thay vào đó, công nghệ số giúp tăng cường sức mạnh của lực lượng sản xuất thông qua tự động hóa, giảm thiểu sự can thiệp của con người trong các quy trình vận hành.
VCBS cũng không nằm ngoài sự tác động của chuyển đổi số. Trong lĩnh vực chứng khoán, chuyển đổi số có tác động sâu rộng, không chỉ giúp cải thiện tốc độ giao dịch mà còn mang lại sự minh bạch và an toàn cao hơn cho các nhà đầu tư. Các giải pháp như chữ ký số và hợp đồng điện tử đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức mở tài khoản và giao dịch chứng khoán, giúp tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm thời gian. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong các giao dịch tài chính giúp đảm bảo tính bảo mật và không thể thay đổi của các giao dịch, từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư và thúc đẩy sự tham gia sâu rộng hơn của người dân vào thị trường tài chính. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Chatbot, AutoAdvisor - những công cụ sản xuất mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của thị trường
VCBS đang đối mặt với những thách thức lớn về việc cải tiến mô hình hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của thị trường. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, VCBS cần tiếp tục phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất thông qua các giải pháp chuyển đổi số cụ thể như Chatbot, AutoAdvisor, và các công nghệ tự động hóa khác. Các công cụ sản xuất mới giúp thay đổi toàn bộ quy trình tư vấn, chăm sóc khách hàng và quản lý tài sản, giúp giải phóng nguồn lực lao động, cho phép nhân viên tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn như tư vấn chiến lược đầu tư hoặc chăm sóc khách hàng cao cấp. Điều này không chỉ giúp VCBS nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn mở ra những cơ hội mới để cải tiến chất lượng dịch vụ và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số như Chatbot và AutoAdvisor không chỉ thay đổi cách thức tổ chức sản xuất mà còn ảnh hưởng đến cách thức quản lý và phân phối công việc giữa các nhân sự. Chatbot có khả năng tự động hóa các công việc tư vấn cơ bản, xử lý các yêu cầu thông thường từ khách hàng mà không cần sự can thiệp của con người, hoạt động 24/7 mà không cần nghỉ ngơi, cho phép hệ thống của VCBS luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Việc thay thế con người bằng hệ thống tự động giúp tăng cường tốc độ phản hồi, giảm thiểu sai sót trong quá trình tương tác và đảm bảo rằng khách hàng luôn nhận được sự hỗ trợ ngay lập tức mà không phải chờ đợi.
Trước đây, hệ thống CallCenter truyền thống tại VCBS đòi hỏi một đội ngũ nhân viên lớn để trực tiếp tư vấn và giải đáp thắc mắc của khách hàng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Chatbot, nhiều công việc lặp lại đã được tự động hóa, giúp cải tiến quan hệ sản xuất theo hướng giảm bớt lao động thủ công và nâng cao giá trị công việc của người lao động. Nhân viên VCBS giờ đây có thể tập trung vào các hoạt động đòi hỏi tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết các tình huống phức tạp hơn, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.
AutoAdvisor sử dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng và thị trường, giúp khách hàng tiếp cận với các sản phẩm tài chính cá nhân hóa mà không cần phải thông qua môi giới chứng khoán truyền thống, từ đó đưa ra các khuyến nghị đầu tư tự động và chính xác. Sự phát triển của AutoAdvisor cũng góp phần cải tiến quan hệ sản xuất bằng cách tạo ra một mô hình tư vấn đầu tư minh bạch và cá nhân hóa. Thay vì dựa vào môi giới chứng khoán truyền thống, khách hàng có thể nhận được những khuyến nghị đầu tư từ hệ thống AI, giúp tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự can thiệp của con người.
Chữ ký số và hợp đồng điện tử (E-contract) - Nền tảng của số hóa giao dịch tài chính
Chữ ký số và hợp đồng điện tử là những cải tiến lực lượng sản xuất không thể thiếu trong tiến trình chuyển đổi số tại VCBS. Các ứng dụng này mang lại những cải tiến lớn về tốc độ, độ chính xác và tính minh bạch trong giao dịch chứng khoán, giúp VCBS tối ưu hóa quy trình vận hành, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường tài chính đầy biến động. Chữ ký số và E-contract chính là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong kỷ nguyên số, đồng thời là công cụ quan trọng để cải tiến quan hệ sản xuất và làm thay đổi căn bản tư duy quản lý truyền thống.
Chữ ký số và E-contract được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về việc số hóa các quy trình ký kết và thực hiện giao dịch tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được bảo mật bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, đảm bảo tính toàn vẹn và an ninh cho các giao dịch.
E-contract, hay hợp đồng điện tử, là hợp đồng được ký kết và lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số, thay thế cho hợp đồng giấy truyền thống, giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường tốc độ xử lý. Trước khi ứng dụng các công nghệ này, việc ký kết hợp đồng tại VCBS thường đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của các bên với quy trình thủ công, từ in ấn, ký tay đến lưu trữ giấy tờ. Điều này không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tạo ra chi phí vận hành cao và dễ phát sinh sai sót.
Với sự ra đời của chữ ký số và E-contract, việc ký kết hợp đồng có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến, không phụ thuộc vào địa điểm hay thời gian. Khách hàng và doanh nghiệp có thể ký kết và xử lý hợp đồng chỉ trong vài phút, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu các chi phí liên quan; đặc biệt là tăng cường độ chính xác và minh bạch trong quá trình ký kết và thực hiện giao dịch, góp phần đảm bảo tính pháp lý và an toàn cho các giao dịch chứng khoán. Các thuật toán mã hóa mạnh mẽ đảm bảo rằng các hợp đồng và giao dịch không thể bị giả mạo hay can thiệp, giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng và doanh nghiệp. Sự thay đổi này không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn giúp cải thiện quy trình quản lý. Nhân viên tại VCBS không còn phải mất nhiều thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hợp đồng mà có thể tập trung vào các công việc giá trị cao hơn như tư vấn đầu tư, phát triển sản phẩm và chăm sóc khách hàng.
Chữ ký số và E-contract không chỉ mang lại lợi ích nội bộ trong việc tối ưu hóa quy trình mà còn giúp VCBS nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường tài chính. Chữ ký số giúp đảm bảo rằng tất cả các giao dịch và hợp đồng đều được bảo mật bằng các mã hóa phức tạp, không thể bị giả mạo hoặc thay đổi mà không có sự đồng ý của các bên. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch tài chính, từ đó tăng cường niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư vào hệ thống của VCBS. Đồng thời, E-contract giúp tối ưu hóa quy trình lưu trữ và truy xuất thông tin hợp đồng, giúp VCBS dễ dàng theo dõi và kiểm tra các giao dịch, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến quản lý hợp đồng truyền thống. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ số hóa giúp VCBS tiết kiệm chi phí vận hành, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả và dịch vụ. Thay vì phải duy trì một đội ngũ lớn để xử lý các công việc giấy tờ, doanh nghiệp có thể giảm thiểu nhân lực trong các vị trí không cần thiết, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả công việc thông qua các hệ thống tự động. Chữ ký số và E-contract cũng mở ra khả năng mở rộng quy mô dịch vụ mà không phải tăng thêm nguồn lực tương ứng. Doanh nghiệp có thể phục vụ cùng lúc nhiều khách hàng mà không cần phải điều chỉnh quy trình hoặc tăng thêm chi phí vận hành. Điều này tạo ra sự linh hoạt và khả năng mở rộng mạnh mẽ, từ đó giúp VCBS dễ dàng thích ứng với sự biến động của thị trường.
Chương trình hợp tác bán chéo giữa Vietcombank và VCBS
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data) đang trở thành yếu tố cốt lõi giúp các doanh nghiệp và tổ chức tài chính hiểu rõ hơn về hành vi, nhu cầu của khách hàng. Tại Vietcombank, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để khai thác và xây dựng chân dung khách hàng đã cho phép Ngân hàng “mẹ” và VCBS hợp tác một cách hiệu quả thông qua chiến lược bán chéo dịch vụ.
Bán chéo dịch vụ (Cross-selling) là một chiến lược kinh doanh hiệu quả mà Vietcombank và VCBS đã và đang áp dụng. Dữ liệu từ Vietcombank cung cấp cái nhìn toàn diện về khách hàng, giúp VCBS hiểu rõ nhu cầu, từ đó cung cấp các sản phẩm dịch vụ chứng khoán, tài chính như đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, quỹ mở, dịch vụ tư vấn quản lý tài sản cá nhân phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ví dụ, khách hàng của Vietcombank có dòng tiền gửi tiết kiệm lớn và ổn định sẽ được VCBS gợi ý các sản phẩm đầu tư an toàn như trái phiếu doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư thu nhập cố định. Trong khi đó, các khách hàng có lịch sử đầu tư nhiều và yêu thích rủi ro có thể được gợi ý các sản phẩm đầu tư cổ phiếu hoặc dịch vụ tư vấn quản lý danh mục đầu tư tích cực.
Nhờ chuyển đổi số, chân dung được số hóa của khách hàng của Vietcombank được xây dựng dựa trên các dữ liệu lớn thu thập từ nhiều nguồn như: Lịch sử giao dịch, hành vi tiêu dùng, lịch sử vay vốn, gửi tiết kiệm, cũng như các tương tác với các sản phẩm và dịch vụ khác của ngân hàng. Qua đó, bức tranh toàn cảnh về từng khách hàng trở nên rõ nét, giúp các công ty như VCBS có thể cung cấp các sản phẩm tài chính và chứng khoán được cá nhân hóa và phù hợp với nhu cầu cụ thể của mỗi khách hàng. Chuyển đổi số cũng giúp hoạt động bán chéo này trở nên hiệu quả hơn khi mà các hệ thống quản lý dữ liệu của Vietcombank và VCBS được tích hợp chặt chẽ. Dữ liệu về từng khách hàng được phân tích và chuyển giao từ ngân hàng “mẹ” sang công ty chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho VCBS trong việc đề xuất các sản phẩm phù hợp và mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Bằng cách tận dụng chân dung khách hàng dựa trên dữ liệu lớn, Vietcombank và VCBS có thể xây dựng những sản phẩm tài chính cá nhân hóa, từ đó giúp khách hàng tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài chính và đầu tư. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng mà còn giúp xây dựng lòng tin của người dân đối với các dịch vụ tài chính.
Việc VCBS tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số là một bước đi tất yếu trong bối cảnh hiện đại, không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và mang lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp; mà còn chứng tỏ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế số là hoàn thoàn phù hợp, kịp thời, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.