Công thức giá rẻ của Shein lung lay trước thuế quan Mỹ
Mức thuế quan mới, kèm việc xóa bỏ miễn thuế nhập khẩu 'de minimis' của chính quyền Trump đè nặng lên mô hình giá rẻ của Shein, khiến giá tăng và đơn hàng tại Mỹ sụt giảm mạnh.

Hàng hóa từ Shein hưởng lợi lớn từ quy định miễn thuế "de minimis", giúp sản phẩm có giá siêu rẻ so với các loại hàng hóa khác tại Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters.
Shein, ứng dụng thời trang giá rẻ quốc tế được thành lập ở Trung Quốc, từng bùng nổ tại xứ cờ hoa một phần nhờ chính sách miễn thuế với hàng hóa giá rẻ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chính sách này đối với hàng Trung Quốc, các sản phẩm của Shein giờ đây sẽ phải gánh trọn mức thuế mới.
Không chỉ chỉ tăng thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ còn xóa bỏ quy định miễn thuế vận chuyển "de minimis" từ ngày 2/5. Điều này được cho là thay đổi được cho là mang tính sống còn với hãng thời trang nhanh.
Shein từng hưởng lợi từ chính sách "de minimis", cho phép miễn thuế đối với đơn hàng vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ có giá trị dưới 800 USD. Sự phổ biến nhanh chóng của ứng dụng mua hàng này tại Mỹ phần lớn nhờ vào chính sách này, giúp công ty đưa hàng hóa vào Mỹ mà không phải chịu thuế.
Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, khoảng 1,36 tỷ lô hàng đã vào Mỹ theo diện miễn thuế "de minimis" trong năm tài chính 2024, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước. Chuyên gia kinh tế của Nomura ước tính, riêng năm ngoái, các đơn hàng nhỏ từ Trung Quốc vào Mỹ theo diện miễn thuế này có tổng trị giá lên tới 46 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, Wall Street Journal đưa tin.
Ngấm đòn thuế quan Mỹ
Chuỗi cung ứng linh hoạt và chi phí thấp, vốn là lợi thế cạnh tranh giúp Shein tiên phong trong mô hình thời trang siêu nhanh và siêu rẻ, hiện phải đối mặt với áp lực nặng nề.
“Shein có thể sẽ phải thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh. Họ gần như chắc chắn sẽ phải tăng giá để duy trì hoạt động", Vinci Zhang, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu M Science, nhận định.

Shein cung cấp các mặt hàng thời trang với giá trung bình thấp hơn từ 20% đến 35% so với thương hiệu đối thủ như Zara và H&M. Ảnh: Noriko Hayashi/Bloomberg.
Tháng 2, ông Trump lần đầu tiên tìm cách chấm dứt chính sách miễn thuế vận chuyển đối với hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng buộc phải trì hoãn để Bộ Thương mại có thời gian xây dựng hệ thống kiểm tra và đánh thuế các lô hàng. Shein, hiện đặt trụ sở tại Singapore, cho rằng quy định miễn thuế de minimis không đóng vai trò then chốt trong thành công của mình.
Tuy vậy, trong khoảng thời gian trì hoãn kéo dài 2 tháng, gã khổng lồ thời trang nhanh nhanh chóng lên kế hoạch ứng phó, trong đó có động thái tăng giá sản phẩm. Nhiều người bán trên Shein và Temu cho biết lượng đơn hàng từ Mỹ trong tháng 3 đã giảm từ 20% đến 50% so với tháng 1.
Ông Trump chỉ bãi bỏ miễn trừ thuế vận chuyển đối với đơn hàng từ Trung Quốc, vì vậy Shein vẫn có thể vận chuyển hàng hóa từ quốc gia khác đến Mỹ mà không phải chịu thuế.
Kế hoạch IPO mờ mịt
Sau khi ông Trump công bố chính sách áp thuế mới vào tháng 4, giáo sư Sheng Lu từ Đại học Delaware (Mỹ) cho biết hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc có thể chịu tổng mức thuế lên tới 150%.
Brian Luo, giám đốc một công ty giao hàng chuyên xử lý đơn cho Shein và Temu tại Mỹ, cho biết lượng đơn hàng từ 2 ứng dụng này giảm mạnh. Ông chỉ nhận được 1.600 đơn so với mức trung bình 4.000 đơn mỗi ngày trước đó.
"Sau khi mức thuế mới được áp dụng, nhiều người có thể quay lại mua hàng trên Amazon, đặc biệt vì tốc độ giao hàng nhanh hơn", Luo nhận xét.

Trung tâm phân phối Shein ở Whitestown (bang Indiana, Mỹ). ẢNH: AJ MAST/BLOOMBERG NEWS.
Những năm gần đây, công ty bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng sản xuất sang Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ để gần 2 thị trường tiêu dùng chính ở Bắc Mỹ và châu Âu hơn. Shein bắt đầu đàm phán với một số nhà máy tại Mỹ để thiết lập một phần dây chuyền sản xuất mới.
Tuy nhiên, các quan chức thương mại tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất cho Shein, cho biết hãng thời trang vẫn đẩy mạnh đầu tư trong nước. Họ cũng phủ nhận việc những nhà cung cấp chuyển hoạt động ra nước ngoài.
"Mất thị trường Mỹ cũng không sao, tôi vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng khác", Wang Xianwei, người bán dụng cụ nhà bếp, chia sẻ trong nhóm WeChat với hơn 200 nhà bán lẻ trên Shein và Temu.
Dù Mỹ là một trong những thị trường có doanh thu cao nhất, Shein hiện vẫn phân phối sản phẩm đến hơn 150 quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải đối mặt với hàng loạt rào cản pháp lý tại những thị trường khác. Liên minh châu Âu xem xét bãi bỏ miễn trừ thuế vận chuyển, một số nước khác cũng bắt đầu siết chặt những lỗ hổng tương tự.
Doanh thu của Shein đạt khoảng 38 tỷ USD trong năm 2024, tăng 19% so với năm trước. Song, con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trên 40% mà công ty từng đạt được trong những năm gần đây. Tương tự, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs hạ dự báo về doanh số của Temu hơn 30%, xuống còn khoảng từ 63 tỷ đến 84 tỷ USD.
Sau khi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán tại New York thất bại, gã khổng lồ thời trang nhanh đẩy mạnh việc tuân thủ các quy định nhằm đối phó với những thách thức về pháp lý. Hồ sơ IPO tại London của hãng hiện vẫn chờ sự chấp thuận từ cơ quan quản lý Trung Quốc từ tháng 6 năm ngoái.