Công tác kiều bào trong kỷ nguyên mới

Trong các cuộc gặp gỡ, bà con kiều bào thường nhắc đến vai trò của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) như một cầu nối, một nơi mà mọi tiếng nói đều được tôn trọng và mọi vấn đề đều được quan tâm giải quyết. Theo Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, đây chính là động lực để Ủy ban không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn mong đợi của bà con.

Với những chia sẻ chân tình, Thứ trưởng đã gửi gắm niềm tin sâu sắc vào công tác NVNONN cùng Nghị quyết 36-NQ/TW trong cuộc trò chuyện với Thế giới và Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ủy ban Nhà nước về NVNONN…

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Sau 65 năm thành lập, Thứ trưởng cho rằng đâu là những thành tựu nổi bật mang tính đột phá của Ủy ban Nhà nước về NVNONN?

Trong suốt chặng đường 65 năm kể từ khi thành lập, Ban Việt kiều Trung ương đến nay, cùng với những thăng trầm của lịch sử, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng được mở rộng về khôn gian cư trú, tăng nhanh hơn về số lượng, đa dạng hơn về thành phần.

Trong bối cảnh đó, Ban Việt kiều Trung ương trước đây, nay là Ủy ban Nhà nước về NVNONN, đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, bám sát và triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phát huy vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với NVNONN, vừa thực hiện tốt chức năng vận động quần chúng, tập hợp và động viên kiều bào hướng về đất nước, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Những thành tích đạt được trong công tác vận động NVNONN trong 65 năm qua là rất to lớn và đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau.

Trong chuỗi thành tích đó, có thể kể đến 4 “đột phá” mang tính bước ngoặt cho công tác NVNONN như là: thành lập Ban Việt kiều Trung ương, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 1993; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW và ban hành Quy chế miễn thị thực cho NVN định cư ở nước ngoài.

Thứ nhất, năm 1959, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ghi nhận những đóng góp của kiều bào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đáp ứng mong muốn được trở về quê hương, xây dựng đất nước của kiều bào, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác đối với kiều bào.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài.

Có thể thấy ngay từ thời điểm đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công tác người Việt, cụ thể Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nguyễn Khang được bổ nhiệm là Trưởng Ban, thành viên bao gồm lãnh đạo một số bộ, ngành như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động, Nội thương, Nông lâm, Công an, Hội Chữ thập đỏ… Ngày 10/01/1960, khi chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào hồi hương cập cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến tiếp đón, thể thiện tình cảm và sự trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những người Việt sống xa quê hương.

Trước những đổi thay nhanh chóng của tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, ngày 30/7/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 74-CP về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (thay thế Ban Việt kiều Trung ương), trong đó quy định Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chỉ đạo lĩnh vực công tác về NVNONN. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động của Ủy ban, ngày 06/11/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 77/CP đặt Ủy ban về NVNONN trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Thứ hai, năm 1993 được coi là năm đánh dấu bước đổi mới về tư duy trong công tác vận động NVNONN, mở đầu bằng việc tổ chức thành công Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu (08-09/02/1993) với sự tham dự của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đại diện của hầu hết các bộ, ngành liên quan trực tiếp lắng nghe ý kiến của kiều bào.

Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới trong việc thực hiện chính sách hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, mở ra khả năng huy động sự đóng góp nhiều mặt của kiều bào đối với công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

Sự kiện là tiền đề, cơ sở để Ban Việt kiều Trung ương trình Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 29/11/1993 về chính sách và công tác đối với NVNONN và Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 55-CT/TW (tháng 05/1994) chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết này, là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển biến nhận thức của toàn Đảng và các cơ quan chức năng đối với công tác này. Quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” lần đầu tiên được nêu trong văn kiện của Đảng.

Thứ ba, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 29/11/1993 về chính sách và công tác đối với NVNONN cũng như Chỉ thị 55-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của về công tác đối với NVNONN, có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác này. Trong đó nhấn mạnh “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, từ đó trở thành nhận thức chung của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và của toàn dân.

Cùng với việc triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với NVNONN đã bước vào giai đoạn mới, được triển khai mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt. Nhiều biện pháp tích cực có tính đột phá đã được tiến hành, tác động mạnh mẽ tới cộng đồng NVNONN, khiến số lượng kiều bào về nước ngày càng tăng kéo theo sự tăng trưởng của kiều hối, các dự án đầu tư trong nước cũng như các công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thứ tư, thực hiện cụ thể tinh thần của Nghị quyết 36, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương miễn thị thực cho NVN định cư ở nước ngoài. Chủ trương miễn thị thực lần đầu tiên được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề cập trong buổi gặp gỡ cộng đồng NVNONN nhân dịp Xuân Bính Tuất (09/02/2007). Ngày 17/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế về việc miễn thị thực cho NVN định cư ở nước ngoài.

Quyết định thể hiện rõ rệt bước tiến và tư duy đổi mới của Việt Nam công bằng trong đãi ngộ, giúp xóa bỏ sự phân biệt giữa công dân ở trong nước và ở nước ngoài, được đông đảo kiều bào trên thế giới phấn khởi đón nhận. Bên cạnh đó, các luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của kiều bào như Luật quốc tịch, Luật Xuất nhập cảnh, Luật cư trú, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũng thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho đồng bào ta ở nước ngoài hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gần với người trong nước, khuyến khích bà con đầu tư, kinh doanh trong nước.

20 năm qua Nghị quyết số 36-NQ/TW luôn là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương, trong triển khai thực hiện công tác đối với NVNONN. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh mới?

NQ 36-NQ/TW ra đời là bước ngoặt về công tác NVNONN, trở thành dấu mốc quan trọng về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giúp phát huy, thu hút nguồn lực kiều bào cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kiều bào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định tinh thần “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng NVNONN, kể cả những người còn mặc cảm, định kiến; qua đó, khơi dậy tinh thần dân tộc và tạo điều kiện để họ trở về quê hương; chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước, để bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Nhờ đó, nhiều kiều bào đã hiểu rõ hơn về đất nước, dần thu hẹp khoảng cách, gắn bó cùng nhau trên con đường hòa hợp, đoàn kết bền vững, được chính quyền và nhân dân sở tại trân trọng và đánh giá cao.

Với nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, công tác NVNONN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng phát triển trong tình hình mới. Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước; xu hướng đồng thuận và ủng hộ cho sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng tăng, qua đó góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cộng đồng NVNONN không ngừng phát triển mạnh, cả về lượng và về chất, ngày càng hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau; có nhiều đóng góp to lớn trong việc phát huy vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch; tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo, đóng góp tài chính và vật chất ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…

Đến nay, những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên giá trị và phù hợp để triển khai những nhiệm vụ về công tác NVNONN trong kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Công tác đại đoàn kết tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của cộng đồng NVNONN.

Với yêu cầu của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Ủy ban đặt ra những mục tiêu và giải pháp trọng tâm nào để phát huy nguồn lực kiều bào một cách tích cực và hiệu quả nhất?

Cộng đồng NVNONN luôn là một phần không tách rời của dân tộc, cùng đồng bào trong nước đồng hành trong suốt chiều dài lịch sử. Ngay từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và đóng góp quý báu của bà con kiều bào khắp năm châu. Cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, hiện diện tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày càng có tiếng nói và có ảnh hưởng ở sở tại.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những yêu cầu phát triển cao hơn của kỷ nguyên mới đòi hỏi sự chung sức chung lòng của những người con đất Việt cả trong và ngoài nước.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN mong muốn triển khai công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng, phát huy nguồn lực cộng đồng một cách đồng bộ, toàn diện trong toàn hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Trước hết, chúng ta cần xác định công tác về NVNONN phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi chính sách chủ trương đều phải quán triệt tinh thần này. Phải làm sao vừa động viên, khích lệ, phát huy nguồn lực to lớn của bà con, vừa phải thể hiện mạnh mẽ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chăm lo cho đồng bào ở xa Tổ quốc. Công tác đối với NVNONN do đó cần phải mang tính đồng bộ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Trọng tâm công tác phát huy nguồn lực do đó trước hết phải tập trung vào hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại, xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết, chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.

Về nội dung, bên cạnh phát huy những kết quả đã có, chúng ta cần tìm ra những động lực mới nhằm gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Và do đó, phải không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng đóng góp xây dựng đất nước, phát huy cao nhất và đầy đủ tiềm năng của cộng đồng.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm cộng đồng người Việt và khai trưởng tủ sách tiếng Việt tại New Caledonia. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm cộng đồng người Việt và khai trưởng tủ sách tiếng Việt tại New Caledonia. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Cụ thể, Ủy ban sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ:

Thứ nhất là tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, luật pháp liên quan đến quyền và lợi ích của NVNONN, trong đó có doanh nhân và trí thức kiều bào.

Thứ hai là tăng cường thông tin, hỗ trợ cho doanh nhân NVNONN; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp NVNONN; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai hiệu quả công tác cộng đồng, lắng nghe, thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp kiều bào.

Thứ ba, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút, tuyển chọn, trọng dụng hơn nữa trí thức, chuyên gia NVNONN; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khoa học – công nghệ, kết nối đổi mới sáng tạo giữa NVNONN với trong nước; phát huy vai trò tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.

Thứ tư, hỗ trợ tạo điều kiện để cộng đồng NVNONN ngày càng phát huy vai trò, tiếng nói ở sở tại.

Ủy ban được coi là ngôi nhà chung, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của kiều bào. Trong những cuộc tiếp xúc ở trong và ngoài nước, bà con đã chia sẻ những kỳ vọng gì với Thứ trưởng về công tác người Việt trong tình hình mới?

Cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Trong các cuộc tiếp xúc, dù ở trong nước hay ngoài nước, tôi luôn cảm nhận rõ ràng tấm lòng, sự gắn bó, và những kỳ vọng sâu sắc của bà con dành cho quê hương.

Một trong những điều bà con kiều bào mong muốn nhất là Đảng, Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy định pháp luật trong các lĩnh vực như quốc tịch, đất đai, đầu tư, kinh doanh, xuất nhập cảnh… theo hướng ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi để bà con hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc và duy trì mối liên hệ với quê hương. Việc hoàn thiện các chính sách pháp luật này không chỉ này không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết thực của cộng đồng mà còn khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước đối với kiều bào.

Bà con cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa trong cộng đồng NVNONN, đặc biệt với thế hệ trẻ. Đây là niềm tự hào và cũng là sợi dây gắn kết cộng đồng với quê hương. Nhiều kiều bào chia sẻ rằng, các chương trình như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ, các chương trình hỗ trợ dạy và học tiếng Việt do Ủy ban tổ chức rất ý nghĩa và kịp thời, luôn thu hút được đón nhận nhiệt tình.

Tuy nhiên, bà con cũng kỳ vọng Ủy ban có thêm nhiều hoạt động với nội dung đa dạng, hình thức linh hoạt hơn nữa dành cho cộng đồng NVNONN. Trong công tác gìn giữ tiếng Việt, bà con mong muốn có sự đầu tư về tài liệu, giáo trình và công nghệ để việc dạy và học tiếng Việt trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.

Một mong muốn lớn khác của bà con là được tham gia nhiều hơn vào công cuộc phát triển quê hương. Những năm qua, cộng đồng NVNONN đã có nhiều đóng góp quan trọng, cả về tri thức, kinh nghiệm, và nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, bà con mong muốn Nhà nước tạo ra thêm các cơ chế hiệu quả hơn để thu hút sự tham gia của họ.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia người Việt tại nước ngoài bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hay các chương trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Họ kỳ vọng rằng, với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, những đóng góp này sẽ được phát huy tối đa và mang lại giá trị thiết thực.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: Tuấn Việt)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: Tuấn Việt)

Một kỳ vọng không kém phần quan trọng là làm thế nào để cộng đồng NVNONN trở thành cầu nối vững chắc giữa Việt Nam và thế giới. Bà con mong muốn được tham gia nhiều hơn trong việc tổ chức các hoạt động ngoại giao nhân dân, xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa và du lịch của Việt Nam tại các quốc gia sở tại.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào quốc tế, bà con mong muốn có các chương trình kết nối mạng lưới doanh nhân, trí thức người Việt trên toàn thế giới để cùng chung tay xây dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại, năng động và giàu bản sắc.

Cuối cùng, điều mà tôi nhận thấy luôn được bà con nhấn mạnh chính là sự lắng nghe, đồng hành từ quê hương. Họ mong muốn rằng mọi tâm tư, nguyện vọng, cũng như khó khăn của mình sẽ được “nghe cho thấu, thấy cho hết, hiểu cho rõ” một cách chân thành, kịp thời như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4” và “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ử nước ngoài năm 2024” tại Hà Nội vào tháng 9/2024.

Chúng tôi hiểu rằng, để đáp lại niềm tin và tình cảm của bà con, không chỉ cần nỗ lực của riêng Ủy ban, mà cần sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn xã hội. Chính sự gắn kết này sẽ làm nên sức mạnh để cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển, gắn bó với quê hương và đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc.

(thực hiện)

Trọng Vũ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-tac-kieu-bao-trong-ky-nguyen-moi-298597.html
Zalo