CÔNG TÁC KHUYẾN KHÍCH, BẢO VỆ CÁN BỘ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO: NHẤT QUÁN VỀ ĐƯỜNG LỐI, QUAN ĐIỂM; CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TỪNG BƯỚC ĐƯỢC HOÀN THIỆN

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh, công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Toàn cảnh Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý I năm 2024 do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức

Toàn cảnh Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý I năm 2024 do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức

Tại Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý I năm 2024 do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức sáng 10/04, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh trình bày Chuyên đề: “Một số giải pháp góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Đường lối, quan điểm nhất quán; cơ chế, chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện.

Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Các Nghị quyết của Đảng cũng đã đặt ra nhiệm vụ phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như các Nghị quyết: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã xác định việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đặc biệt, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã thể hiện chủ trương của Đảng về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng đã xác định: "Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung".

Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh

Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã yêu cầu “thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Chính phủ giao Bộ Nội vụ “nghiên cứu việc xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời với việc ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, trong đó bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị là căn cứ đánh giá, xếp loại và cũng là hành vi để xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức; quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Những biểu hiện phổ biến của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Về thực trạng của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh cho biết: từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm quản lý nhà nước thông suốt, hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động kinh tế - xã hội đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi, nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều khó khăn, vướng mắc xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; trong đó có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Biểu hiện phổ biến của tình trạng này là không chủ động đề xuất hoặc không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chậm trễ, để tồn đọng kéo dài việc giải quyết kiến nghị, đề xuất của cơ quan, tổ chức, người dân; trả lời, hướng dẫn chung chung, né tránh, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác; hỏi xin ý kiến ngay cả với những vấn đề thuộc thẩm quyền; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị

Mặt khác, theo báo cáo của nhiều địa phương, một trong những biểu hiện của làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm là việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa mang tính đột phá, chiến lược, lâu dài, chủ yếu mang tính sự vụ, thường xuyên, ít quan tâm nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập ở cơ quan, địa phương. Công tác tham mưu, tính tiên phong gương mẫu, tính chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế. Việc triển khai một số nhiệm vụ mang tính mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn triển khai như chuyển đổi số, thẩm định giá … Chuyển biến về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội bằng các chỉ tiêu, số liệu, kịch bản cụ thể của một số cơ quan, địa phương còn chậm; công tác cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của một số địa phương, đơn vị còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tình trạng nêu trên dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm của cán bộ lãnh đạo, quản lý có tác động tiêu cực đến tinh thần sáng tạo, động lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, dẫn đến tâm lý e ngại, làm việc cầm chừng bởi những đề xuất, tham mưu, ý tưởng, cách làm sáng tạo không dễ được chấp nhận, ủng hộ.

Một số giải pháp thúc đẩy cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Từ thực trạng và nguyên nhân như đã nêu ở phần trên, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chú trọng nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, đảng viên né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương về tinh thần cống hiến, trách nhiệm, tư duy đổi mới, sáng tạo để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên, công chức. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, chuyên nghiệp, tin tưởng lẫn nhau và khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và công tác quản lý Nhà nước nói chung. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức; trước mắt tập trung ngay vào việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản về những vấn đề chưa có quy định, những quy định chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và những vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong các quy định của pháp luật; có phương án xử lý đối với những quy định pháp luật được phản ánh còn chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, bảo đảm tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; có biện pháp, chính sách khuyến khích, khen thưởng thực chất, thỏa đáng dựa trên hiệu suất và kết quả thực hiện công việc.

Tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh việc phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý.

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ

Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ; phổ biến pháp luật, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu trong việc chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đẩy mạnh thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức theo quy định. Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm, kịp thời các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; các quy định của pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cơ quan thông tin đại chúng và người dân trong việc giám sát thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.

Thứ năm, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân quyết liệt trong thi hành công vụ, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm.

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật...

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86095
Zalo