Công tác dân vận góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở Hà Tĩnh
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 'Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới', công tác dân vận ở Hà Tĩnh đã có nhiều bước tiến, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Phát huy nền tảng đã có, xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2024 tới. Để huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân thực hiện các tiêu chí NTM, Đảng bộ xã Cẩm Lộc xác định nhiệm vụ đi đầu là tuyên truyền, vận động Nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, cả hệ thống chính trị xã Cẩm Lộc đã phát huy sức mạnh đoàn kết lương giáo. Trong 10 năm qua, người dân trong toàn xã đã hiến hơn 5.000 m2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công và huy động nguồn lực xã hội hóa hơn 40 tỷ đồng để triển khai thực hiện các tiêu chí NTM. Đến nay, xã đã đạt 17/20 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Không chỉ ở xã Cẩm Lộc, phương châm đó cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Cẩm Xuyên thực hiện xuyên suốt. Nhờ vậy, năm 2021, Cẩm Xuyên đã đạt chuẩn huyện NTM và đang nỗ lực xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Long - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nghị quyết 25-NQ/TW được xem là nghị quyết “xương sống” trong công tác dân vận. Trong đó, xác định công tác dân vận phải được được triển khai bám sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gắn tuyên truyền, vận động với chăm lo lợi ích thiết thực của Nhân dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, là động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn. Đặc biệt, trong xây dựng NTM, với việc thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, vai trò giám sát phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội… đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua huyện Thạch Hà có chiều dài 18,27 km với 7 xã bị ảnh hưởng, gồm: Việt Tiến, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Đài, Thạch Xuân, Tân Lâm Hương, Nam Điền. Ngoài ra, trên địa bàn huyện, dự án xây dựng thêm tuyến đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài với chiều dài 3,9 km và tuyến đường nối Ngô Quyền - ĐT.550 với chiều dài tuyến 5,053 km. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án có đất phải thu hồi hơn 1.600 hộ.
Mặc dù ảnh hưởng lớn là vậy, nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ tái định cư cho người dân trên địa bàn cơ bản đáp ứng; các hộ dân đã nhận tiền bồi thường. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà cho biết: "Bên cạnh những nỗ lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành thì sự ủng hộ, đồng thuận từ người dân bị ảnh hưởng được xem là “chìa khóa” góp phần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn. Để tạo được sự đồng thuận đó, công tác vận động quần chúng, tiếp xúc, đối thoại nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân được huyện Thạch Hà đặt lên hàng đầu. Qua đó, góp phần tạo được sự đồng thuận trong xã hội, giúp các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn triển khai kịp thời, hiệu quả".
Cùng với Thạch Hà, công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân cũng được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện bài bản. Thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp của người đứng đầu đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; đồng thời, đây cũng là kênh quan trọng để các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh vào cuộc sống; tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi với Nhân dân.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp 58.888 lượt người; cơ quan Nhà nước các cấp tiếp nhận 33.871 đơn (khiếu nại, tố cáo, khiếu nại phản ánh); số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính đã giải quyết 3.126/3.526 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,67 %); nhiều vụ việc phức tạp, phát sinh được giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng thành công 19.340 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai, thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, công tác dân vận cũng được phát huy vai trò làm cầu nối trong vận động, kêu gọi, triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận cũng đã được các cơ quan Nhà nước triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường giám sát đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ. Qua đó, đã giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu người dân và doanh nghiệp, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Đồng chí Trương Thanh Huyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: “Qua 10 năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận, chính quyền các cấp Hà Tĩnh đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, cụ thể hóa bằng việc ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”.
Theo đồng chí Trương Thanh Huyền, để phát huy vai trò công tác dân vận góp phần cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh một cách đồng bộ; tiếp tục cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để thực hiện. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tôn giáo, dân tộc…