Công tác bảo vệ người tiêu dùng đạt nhiều kết quả tích cực

Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 3 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Công tác bảo vệ người tiêu dùng đạt được kết quả tích cực

Công tác bảo vệ người tiêu dùng đạt được kết quả tích cực

Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả 3 năm triển khai Chỉ thị 30 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một trong những nhóm nhiệm vụ đầu tiên Chỉ thị 30 nêu ra là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, Chỉ thị số 30-CT/TW nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức…

Về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai, báo cáo đánh giá chỉ thị đã được quán triệt đến các chi bộ; ban cán sự đảng bộ các bộ ngành, các tỉnh ủy… để triển khai hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể là năm 2022 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã lập đoàn khảo sát triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 2 bộ và 8 địa phương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban ngành ở Trung ương và các địa phương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng luật, đề nghị bổ sung điều khoản để thực hiện vai trò giám sát thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với cơ quan quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ nhằm triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW; ban hành Quyết định số 3577/QĐ-BCT về quy chế giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công Thương.

Các tài liệu này là cơ sở để giám sát, đôn đốc hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của ngành công thương, đồng thời là tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Trong số 54 tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) trên cả nước gửi báo cáo, có 48 địa phương đã ban hành kế hoạch của tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố để triển khai các nội dung của Chỉ thị 30 trên địa bàn tỉnh mình.

Cũng theo báo cáo này, việc thực hiện hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương khá tích cực. Theo đó, nhiệm vụ tổng kết thi hành luật và xây dựng đề án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương và các bộ, ngành, các địa phương chuẩn bị tốt. Các giải pháp để khắc phục khó khăn vướng mắc trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngoài ra, đã hình thành được hệ thống gồm 54 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 54 tỉnh, thành phố và một Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng chưa có cơ chế hỗ trợ các hội mang tính thống nhất và hiệu quả dẫn đến một số hội khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất, thậm chí có hội đã dừng hoạt động như: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Kạn, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tây Ninh.

Cơ chế quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương chưa thực sự hiệu quả, còn lỏng lẻo, cơ quan được giao đầu mối chưa thực sự phát huy vai trò kết nối và điều tiết các bộ ngành và các địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ, Bộ Công Thương đã triển khai hệ thống tổng đài kết nối toàn quốc, tuy nhiên, mới có 57 địa phương tham gia. Trong các địa phương tham gia cũng chưa bố trí nhân sự phù hợp để tiếp nhận, xử lý, tư vấn cho người tiêu dùng.

Hay ví dụ khác về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở địa phương còn chưa tốt.

Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực thi Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào năm 2024 và đề nghị các cơ quan liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chỉ thị số 30-CT/TW nói riêng và kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.

V.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-tac-bao-ve-nguoi-tieu-dung-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-post597261.antd
Zalo