Công Phượng: Ngày trở về không xa?
Liên tục tỏa sáng trong màu áo Bình Phước ở giải hạng Nhất quốc gia, Công Phượng tỏ rõ khát khao trở lại khoác áo đội tuyển Việt Nam. Với nỗ lực ấy, tiền đạo xứ Nghệ có thể đã lọt tầm mắt của huấn luyện viên Kim Sang-sik.

Công Phượng đang dần lấy lại sự nghiệp ở giải hạng Nhất quốc gia. Ảnh: ITN.
6 ngày và 3 siêu phẩm sút phạt
Ở trận đấu thuộc vòng 15 giải hạng Nhất quốc gia vào ngày 26/4, Trường Tươi Bình Phước đã nhẹ nhàng vượt qua Đồng Tháp với tỉ số 2-0 để củng cố vững chắc vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng. Chiến thắng của đội bóng miền Đông Nam Bộ một lần nữa gây chú ý bởi nó in đậm dấu ấn của cầu thủ từng bị người hâm mộ lãng quên là Nguyễn Công Phượng.
Phút 73, trong thế trận bế tắc của Bình Phước, Công Phượng đã tỏa sáng với siêu phẩm sút phạt ở cự ly khoảng 25m. Không dừng lại ở đó, trước khi kết thúc trận đấu, tiền đạo sinh năm 1995 này tiếp tục ghi dấu ấn với đường kiến tạo để Thành Đạt ghi bàn, ấn định chiến thắng 2-0 cho Bình Phước.
Trước đó, ở vòng 14, Công Phượng đã rực sáng với cú đúp bàn thắng trên chấm đá phạt, giúp Bình Phước ngược dòng đánh bại Hòa Bình với tỉ số 2-1. Như vậy, chỉ trong vòng 6 ngày, tiền đạo xứ Nghệ đã ghi liên tiếp 3 siêu phẩm đá phạt, mang lại sự khác biệt lớn cho đội bóng miền Đông Nam Bộ.
Tính ra, ở 3 trận đấu gần nhất kể từ khi trở lại sau chấn thương, Công Phượng đã in dấu giày trong 6 bàn thắng của Bình Phước (3 bàn thắng và 3 kiến tạo). Với tổng cộng 7 pha lập công, tiền đạo sinh năm 1995 đang dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới giải hạng Nhất quốc gia, hơn 1 bàn so với người đồng đội là Lưu Tự Nhân.
Phong độ ấn tượng của Công Phượng đã giúp Bình Phước thắng 5 trận liên tiếp ở giải hạng Nhất quốc gia. Với 36 điểm, thầy trò huấn luyện viên Huỳnh Quốc Anh đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng, cạnh tranh quyết liệt với Phù Đổng Ninh Bình trong cuộc đua thăng hạng V-League.
Chứng kiến 3 siêu phẩm sút phạt của Công Phượng ở giải hạng Nhất, người hâm mộ bỡ ngỡ nhận ra rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn sở hữu chân sút từng là niềm hy vọng của đội tuyển quốc gia. Tiền đạo xứ Nghệ đã và đang thắp lại sự nghiệp tưởng như dần lụi tàn.

Công Phượng đã sẵn sàng trở lại sau gần 2 năm vắng bóng ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ITN.
Nỗ lực tìm lại ánh hào quang
Công Phượng là một trong số ít cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu. Anh thậm chí còn khoác áo 4 câu lạc bộ khác nhau, từ châu Âu (Sint-Truidense, Bỉ) tới châu Á (Mito Hollyhock, Incheon United và Yokohama, Nhật Bản). Nhưng hy vọng rồi thất vọng! Giống nhiều cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại, Phượng không thể gặt hái thành công để tạo cú bứt phá trong sự nghiệp.
Đặc biệt, trong giai đoạn khoác áo Yokohama (2003 - 2004), sự nghiệp của Công Phượng chìm trong bóng tối bởi anh gần như không có cơ hội ra sân. Trong khi Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh thay nhau giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam, Công Phượng vẫn vô duyên với giải thưởng này dù từng được đánh giá rất cao về tiềm năng.
Không thể tiếp tục cuộc sống ngột ngạt ở Yokohama, Phượng quyết định trở lại Việt Nam để cứu vãn sự nghiệp. Nhưng thay vì chọn đội bóng ở V-League, tiền đạo xứ Nghệ quyết định gia nhập câu lạc bộ thuộc giải hạng Nhất là Trường Tươi Bình Phước. Nhiều người cho rằng, Phượng đã chấp nhận buông xuôi sự nghiệp khi tới miền Đông Nam Bộ với mức lót tay 18 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng.
Nhưng thực tế, ở Bình Phước, Công Phượng ít được chú ý hơn. Khi không còn là tâm điểm của truyền thông, tiền đạo sinh năm 1995 có thể thoải mái thể hiện mình. Anh đã tìm lại niềm vui chơi bóng. Cùng với đó là nỗ lực tìm lại ánh hào quang đã từng tạo ra dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo.
Trong khoảng thời gian hao mòn tuổi xuân ở Yokohama, Công Phượng gặp vấn đề lớn về thể lực, sức rướn và cảm giác bóng. Ở tuổi 30, chân sút này cũng không còn đủ tốc độ để tạo ra những cú rê bóng biến ảo thương hiệu như xưa. Nhưng bù lại, Phượng đã kinh nghiệm hơn và vẫn còn những phẩm chất của cầu thủ có thể tạo nên sự khác biệt.
3 cú sút phạt thành bàn ở 2 trận đấu vừa qua tại giải hạng Nhất là minh chứng rõ ràng nhất. Đó là kết quả của cả một quá trình tập luyện. Điều quan trọng là Công Phượng vẫn đang nỗ lực hàng ngày để tìm lại chính mình.

Công Phượng gây sốt với 3 cú sút phạt thành bàn chỉ trong vòng 6 ngày. Ảnh: ITN.
“Khi đội tuyển cần, tôi luôn sẵn sàng”
Đây là khẳng định của Công Phượng sau khi ghi liên tiếp 3 bàn thắng từ chấm đá phạt, giúp Bình Phước thắng như chẻ tre ở hạng Nhất quốc gia. Tiền đạo quê Đô Lương đã tỏ rõ khát khao trở lại khoác áo đội tuyển Việt Nam, đồng thời cũng là điều mà người hâm mộ kỳ vọng, bởi tất cả có lẽ vẫn chưa quên cảm xúc mà chân sút này mang lại từ khi còn khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam.
Lần gần nhất Công Phượng ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam đã cách đây khoảng 2 năm. Đó là trận giao hữu với Palestine tại sân Thiên Trường (Nam Định) hồi tháng 9/2023. Ở trận đấu đó, tiền đạo xứ Nghệ đã đóng góp 1 bàn thắng, giúp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng với tỉ số 2-0.
Trận giao hữu với Palestine là lần duy nhất Công Phượng ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Philippe Troussier. Ở đợt tập trung vào tháng 10 sau đó, nhà cầm quân người Pháp đã loại Công Phượng vì tiền đạo này thi đấu quá ít ở Yokohama, không đủ thể lực và cảm giác bóng để đáp ứng yêu cầu về chiến thuật.
Và sau đó, ông Troussier tiếp tục loại Công Phượng ở cả vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á và Vòng chung kết ASIAN Cup 2023. Tới tháng 3/2024, tiền đạo xứ Nghệ được điền tên vào danh sách triệu tập của đội tuyển Việt Nam nhưng cuối cùng đã lỡ hẹn vì chấn thương. Đây cũng là giai đoạn đi xuống trầm trọng của đội tuyển.
Khi nắm quyền dẫn dắt đội tuyển thay Troussier, huấn luyện viên Kim Sang Sik đặc biệt chú ý tới Công Phượng. Nhưng vấn đề là tại Yokohama, tiền đạo quê Đô Lương không được ra sân thường xuyên. Cộng với chấn thương liên miên, anh không thể lọt mắt xanh của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Vậy nên, không bất ngờ khi Phượng chưa từng được trao cơ hội cống hiến cho đội tuyển dưới thời ông Kim.
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 đã giúp đội tuyển Việt Nam lấy lại vị thế sau giai đoạn khó khăn, khủng hoảng dưới thời huấn luyện viên Troussier. Không được tham dự giải đấu, Công Phượng không giấu nổi sự thất vọng. Nhưng đó cũng là động lực để tiền đạo này bùng cháy ở giai đoạn 2 mùa giải 2024 - 2025. Ít nhất, cho tới nay, Phượng đã chứng minh mình vẫn còn đầy nhiệt huyết và khát khao để trở lại màu áo đội tuyển quốc gia.
Thi đấu ở hạng Nhất, Công Phượng chịu thiệt thòi vì ít được chú ý. Tuy vậy, cánh cửa lên tuyển vẫn rộng mở với chân sút sinh năm 1995. Chẳng bởi thế mà huấn luyện viên Kim Sang Sik vẫn thường xuyên triệu tập Hoàng Đức, tiền vệ đang khoác áo Phù Đổng Ninh Bình ở hạng Nhất. Thậm chí, Hoàng Đức còn là nhân tố rất quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Sau ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam gặp khó khăn ở hàng công khi Xuân Son và Vĩ Hào đồng loạt dính chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu dài hạn. Văn Toàn vừa tái phát chấn thương gân kheo, bỏ ngỏ khả năng ra sân. Trong bối cảnh Tiến Linh chưa tìm lại phong độ tốt nhất, ông Kim rất cần những nhân tố mới để tạo nên sự khác biệt. Công Phượng được xem là một trong những lựa chọn tốt ở thời điểm này.
Cho tới nay, Công Phượng đã ghi 12 bàn thắng sau 55 trận khoác áo đội tuyển Việt Nam, chỉ kém Tiến Linh (25 bàn) và Quang Hải (14 bàn) trong số những cầu thủ vẫn còn “ăn cơm tuyển”. Ngoài kinh nghiệm và khả năng kết hợp với các ngôi sao từng nhiều năm sát cánh thời ông Park Hang Seo, Phượng còn là cầu thủ đặc biệt, có khả năng tạo đột biến cao.
Tiền đạo 30 tuổi này có thể không còn thường xuyên tạo nên những cú rê bóng khiến người hâm mộ xuýt xoa nhưng anh lại gây bất ngờ với “vũ khí” mới là những cú đá phạt. Dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik, đội tuyển Việt Nam mới chỉ ghi được một bàn thắng từ chấm đá phạt là siêu phẩm của Hai Long ở trận giao hữu với Campuchia hồi tháng 3 vừa qua.
Vào cuối tháng 5 này, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung trở lại để chuẩn bị cho trận đấu rất quan trọng với Malaysia ở vòng loại ASIAN Cup 2027. Sẽ không bất ngờ nếu Công Phượng được ông Kim trao cơ hội.
Công Phượng sở hữu kinh nghiệm và cái duyên ghi bàn vào lưới Malaysia. Tiền đạo sinh năm 1995 từng góp công vào chiến thắng 2-1 của U23 Việt Nam trước U23 Malaysia tại vòng loại U23 châu Á 2016; ghi bàn trong màn hủy diệt 5-1 của U23 Việt Nam tại SEA Games 2015; ghi 1 bàn trong chiến thắng 2-0 của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia vòng bảng AFF Cup 2018.
Những bàn thắng này không chỉ khẳng định khả năng săn bàn của Công Phượng, mà còn cho thấy một bản lĩnh và sự tự tin đặc biệt mỗi khi đối đầu với đối thủ khó chịu như Malaysia.