Công nhân tiên phong, vững bước... (Bài 3): Sẵn sàng tâm thế...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nhân, người lao động xứ Thanh sẵn sàng tâm thế bước vào giai đoạn mới phát triển của quê hương, đất nước. Đồng thời, tiếp tục đề cao vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Xoay quanh chủ đề trên, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có dịp trao đổi với các ông, bà: Chae Jong Jin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa và Công ty TNHH Ivory Triệu Sơn Thanh Hóa; Cao Công Thức, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc; Đặng Thị Hương, công nhân lao động Công ty TNHH Thương mại UNO.

Chăm lo tốt cho người lao động là trách nhiệm...

PV: Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc có những giải pháp cụ thể nào để tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động trong thời gian tới, thưa ông?

PV: Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc có những giải pháp cụ thể nào để tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Cao Công Thức:

Trong thời gian tới, với phương châm "Hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm phục vụ", Liên đoàn Lao động huyện sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn.

Trước hết, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đại diện, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, trong đó chú trọng các nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động huyện sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đối thoại định kỳ, giải quyết tranh chấp lao động ngay từ cơ sở, hạn chế các vụ việc phát sinh phức tạp...

Một trong những nội dung trọng tâm khác là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên. Các hoạt động như “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm công đoàn”, “Chuyến xe công đoàn” sẽ tiếp tục được triển khai rộng khắp, ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức. Đặc biệt, trong dịp lễ, tết hoặc khi công nhân gặp khó khăn do ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, liên đoàn sẽ chủ động huy động các nguồn lực để thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú trọng công tác nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật, góp phần giúp công nhân thích ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Liên đoàn Lao động huyện xác định rõ: Chăm lo tốt cho người lao động không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là trách nhiệm tình cảm. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, để công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy, là mái ấm của người lao động.

Khi công nhân phát triển, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển

PV: Là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, theo ông, công nhân, người lao động cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

PV: Là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, theo ông, công nhân, người lao động cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

Ông Chae Jong Jin:

Là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng may mặc, hiện nay chúng tôi đạt sản lượng khoảng 13,3 triệu sản phẩm mỗi năm và đang tạo việc làm ổn định cho 2.282 công nhân lao động, trong đó Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa sản xuất khoảng 6,8 triệu sản phẩm với 1.400 công nhân, lao động làm việc. Trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy rõ rằng, yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ công nhân đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời đại hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu đối với người lao động cũng ngày càng cao hơn, không chỉ về tay nghề mà còn về tư duy và kỹ năng làm việc.

Để đáp ứng những yêu cầu mới, tôi cho rằng, công nhân, người lao động cần chú trọng một số yếu tố như: chủ động học hỏi và nâng cao tay nghề; kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp... Không chỉ làm tốt công việc được giao, người lao động cần có tinh thần đóng góp, đề xuất các sáng kiến nhỏ để cải tiến năng suất, giảm hao phí, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng công cụ hiện đại cũng là một hướng đi cần thiết; chú trọng sức khỏe, giữ gìn an toàn lao động... Chúng tôi mong rằng, người lao động sẽ cùng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ xu hướng phát triển mới. Khi công nhân phát triển, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển. Và đó chính là sự đồng hành bền vững, lâu dài trong thời đại mới.

Cần nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ

PV: Là người lao động làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, chị hãy chia sẻ những việc mà người lao động cần làm trong thời đại chuyển đổi số để cùng doanh nghiệp phát triển?

PV: Là người lao động làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, chị hãy chia sẻ những việc mà người lao động cần làm trong thời đại chuyển đổi số để cùng doanh nghiệp phát triển?

Chị Đặng Thị Hương:

Theo tôi, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, người lao động không chỉ cần làm việc chăm chỉ mà còn phải làm việc thông minh và không ngừng học hỏi. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, và nếu không thích nghi kịp sẽ dễ bị tụt lại phía sau. Vì vậy, trước hết, mỗi người lao động cần chủ động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sử dụng công nghệ, dù là ở mức cơ bản như thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh, hay các phần mềm quản lý, giao tiếp nội bộ của công ty...

Người lao động cần xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, biết phối hợp với đồng nghiệp và tuân thủ nội quy, quy trình sản xuất. Trong môi trường chuyển đổi số, sự chính xác, nhanh nhạy và tinh thần trách nhiệm là rất quan trọng, bởi vì nhiều quy trình đã được số hóa, nếu bất cẩn sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. Một điều nữa tôi thấy rất cần thiết là tinh thần cầu thị và sẵn sàng thay đổi. Công nghệ mới có thể khiến công việc của mình khác trước, nhưng thay vì sợ hãi hay chống đối, bản thân nên tìm hiểu, học hỏi từ đồng nghiệp, từ các buổi tập huấn do công ty hay công đoàn tổ chức. Khi có tinh thần tích cực thì vừa giúp bản thân phát triển, vừa góp phần giữ được việc làm ổn định, nâng cao năng suất cho doanh nghiệp...

Bùi Huấn (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cong-nhan-tien-phong-vung-buoc-bai-3-nbsp-san-sang-tam-the-36930.htm
Zalo