Công nghiệp văn hóa từ góc độ chất liệu truyền thống
Văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống là tài nguyên vô tận cho phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều lĩnh vực, nhưng không phải ai cũng thu được thành công. Vậy mà có một chàng trai đã kể những câu chuyện mới từ chất liệu cuộc sống, chất liệu văn hóa truyền thống, đó là Nguyễn Việt Nam, người sáng lập doanh nghiệp sáng tạo Tired City.
100% sản phẩm của thương hiệu này, từ áo, mũ, túi xách… cho đến chiếc móc chìa khóa đều là kết quả sáng tạo từ những linh vật như con rồng, tranh dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống hay câu chuyện từ cuộc sống, như gánh hàng rong, cốc trà đá…
Nghệ thuật ca trù, hay hát tuồng, những tích chèo… vốn khá xa lạ với giới trẻ. Nhưng qua phong cách vẽ tranh chibi, chúng bỗng được thế hệ Gen Y, Gen Z đón nhận…
“Áo mới” cho văn hóa truyền thống
Bộ sưu tập thời trang Âm sắc truyền thống gồm hàng chục mẫu khác nhau, tất cả đều “kể” câu chuyện về các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ðó có thể là một ông tướng bước ra từ một vở tuồng, một chị Hai nón thúng quai thao lúng liếng cùng câu ca quan họ; cũng có thể là một đào nương ca trù, hay một anh hề gậy trong tích chèo…
Những loại hình nghệ thuật mà người ta thường nghĩ là thuộc về những thế hệ đi trước, nay lại xuất hiện trên sản phẩm của doanh nghiệp sáng tạo Tired City, được giới trẻ đón nhận một cách nồng nhiệt. Bùi Dạ Yến, một khách hàng trẻ vui vẻ khoe chiếc áo nỉ mới mua: “Chiếc áo in hình các nghệ nhân hát ca trù. Cả ông lão chơi đàn lẫn người hát đều là những nghệ nhân già tóc bạc. Nhưng cả hai đều có nụ cười rất hóm hỉnh, trẻ trung.
Bức hình trên chiếc áo này rất độc đáo, em nghĩ khi mặc lên, sẽ có nhiều người tò mò hỏi thăm”. Tương tự như vậy, những bức tranh khác được in lên các mẫu áo phông, áo nỉ, túi… mang đến một “làn sóng trẻ” cho bộ sưu tập thời trang Âm sắc truyền thống. Chúng đều rất ngộ nghĩnh, trẻ trung dưới nét vẽ của họa sĩ Chung Phạm.
Nếu Âm sắc truyền thống là những mẫu thiết kế khai thác từ nghệ thuật trình diễn dân gian thì bộ sưu tập Băm sáu lại là kết quả của dự án tái hiện những sản phẩm được bán tại các phố hàng Hà Nội qua góc nhìn độc đáo của Giang Giô. Bởi “băm sáu”, theo khẩu ngữ địa phương quen thuộc của người miền bắc, chính là biến âm của ba mươi sáu (36) phố phường.
Ở đó, những mẫu áo, túi in hình về các mặt hàng của những con phố như: Hàng Quạt, Hàng Ðào, Hàng Than, Hàng Lọng… với cái nhìn hiện đại pha lẫn âm hưởng của truyền thống. Riêng câu chuyện về gánh hàng rong cũng đã trở thành một bộ sưu tập riêng. Chưa kể những góc phố, những hàng quán, những dãy nhà cũ kỹ…, hay đơn giản hơn là câu chuyện như “hồi bé ăn gì” cũng được đưa vào sản phẩm.
Tired City ra đời năm 2016. Hiện, riêng tại Hà Nội, Tired City đã có hơn 10 cửa hàng ở những tuyến phố lớn như: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Trống… Tired City cho ra đời hàng trăm bộ sưu tập khác nhau, tất cả đều khai thác từ vốn văn hóa truyền thống, cuộc sống người dân. Người sáng lập Tired City còn rất trẻ. Ðó là Nguyễn Việt Nam, sinh năm 1990. Nam học Khoa Kiến trúc (Trường đại học Xây dựng). “Em sinh ra ở Thái Nguyên, nhưng năm 13 tuổi, em chuyển về Hà Nội.
Trước đây em không giải thích được vì sao Hà Nội có một sự đặc biệt, khiến bản thân em có một tình cảm rất riêng. Sau khi được đi nhiều nơi, em thấy Hà Nội có vẻ đẹp của một thành phố cổ kính. Chúng ta có thể thấy những căn nhà kiến trúc Pháp, nhà tập thể, xen lẫn những công trình hiện đại. Bề dày văn hóa, cuộc sống của người dân thành phố này là tài nguyên giàu có. Nếu biết khai thác hợp lý, mình vừa có thể “định vị” giá trị sản phẩm, vừa lan tỏa được vẻ đẹp văn hóa ấy”, Nguyễn Việt Nam chia sẻ.
Văn hóa truyền thống và các góc cạnh của cuộc sống Hà Nội là chủ đề được khai thác từ lâu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thời trang, thủ công mỹ nghệ. Nhưng không phải ai cũng thu được thành công. Làm thế nào để nguồn “tài nguyên” ấy trở thành những sản phẩm, và sản phẩm đó phải là những mặt hàng “bán được”, rồi phải “bán chạy” là câu hỏi khó. Năm 2016, cửa hàng đầu tiên được mở ra với tám bạn trẻ đi kèm những thấp thỏm. Nhưng Nguyễn Việt Nam đã tìm được lời giải cho đầu ra sản phẩm…
Nuôi dưỡng sáng tạo
Cách đây không lâu, Tired City và Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm “Dân gian trong Gen Z” tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, với 39 tác phẩm (của 3 họa sĩ sinh từ năm 2000) về văn hóa dân gian Việt Nam, như nghệ thuật hát bội, tranh Ðông Hồ hay các câu vè, đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ.
Trong đó, họa sĩ Phương Vy (nghệ danh Vei Vei, Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung vào chủ đề nghệ thuật hát bội (tuồng). Hai dự án mà Phương Vy thực hiện về nghệ thuật hát bội là Art Book “Bội tự” và “Bội ký”. Ðây là các dự án mà cô đã theo đuổi và triển khai từ năm thứ hai đại học. “Bội tự” là các thuật ngữ, biểu tượng đặc trưng của Hát Bội được minh họa dưới dạng con chữ; còn “Bội ký” là sự tái hiện câu chuyện của những vở tuồng, nhân vật tuồng tiêu biểu.
Còn với nữ họa sĩ Meaptopia (An Ho), cô lại tạo nên các hình ảnh hài hước đậm tính văn hóa dân gian lấy cảm hứng từ dòng tranh Ðông Hồ. Không phải là những bức tranh “khuôn mẫu” theo truyền thống, hình tượng chú mèo quen thuộc trong tranh Ðông Hồ “biến hóa” trong nhiều trạng thái, hoạt động khác nhau tạo ra những hình ảnh sinh động, hóm hỉnh và gần với giới trẻ.
Còn bộ tác phẩm “Vè nói ngược” của Pao là sáng tạo với thể loại văn học dân gian dí dỏm, độc đáo của người Việt. Các câu vè vốn chỉ truyền miệng nay được tạo hình dí dỏm như “Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô”, “Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”… mang lại nhiều thú vị cho khách tham quan.
Họa sĩ Phương Vy cho biết, thế hệ trẻ Gen Z như cô rất quan tâm tới văn hóa truyền thống, và mỗi người đều có thể gìn giữ bản sắc văn hóa Việt theo cách riêng của mình. Tất cả đều có thể thành công nếu biết tận dụng tốt những tài nguyên từ kho tàng văn hóa dân tộc.
Ðây là lần thứ hai Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp Tired City tổ chức triển lãm. Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, triển lãm “Vẽ con rồng” cũng để lại nhiều ấn tượng về sự kế thừa, tiếp nối văn hóa truyền thống.
Giám đốc Trung tâm Lê Xuân Kiêu cho biết: Trung tâm luôn mong muốn có các hoạt động để giúp di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo, giúp Văn Miếu “trẻ” hơn. Trung tâm đã tìm được tiếng nói chung với Tired City. Các tác phẩm cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc như mạch nguồn chảy mãi dưới sự sáng tạo của các họa sĩ trẻ thế hệ Gen Z, qua đó đánh dấu sự tiếp nối và phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị di sản qua mỗi thế hệ.
Tired City liên tục tổ chức các cuộc thi, tham gia tổ chức các cuộc triển lãm với định hướng khai thác giá trị văn hóa truyền thống và cuộc sống bản địa. Cùng một lúc, Tired City tham gia các hoạt động cộng đồng và phát triển sản phẩm thương mại. Yếu tố này bổ trợ cho yếu tố kia. Bản thân một số tác phẩm trong triển lãm “Dân gian trong Gen Z” và tác phẩm của những cuộc triển lãm trước đây cũng đã được đưa vào sản phẩm của Tired City và bán trên thị trường. Một lối đi, nhưng mãi vẫn không cũ.
Bí quyết của Tired City nằm ở yếu tố: Nuôi dưỡng sáng tạo. Chỉ vài năm sau khi ra đời, Tired City thành lập một diễn đàn, một cộng đồng sáng tạo với tên gọi Vietnam Local Artist Group. Cộng đồng này hiện có tới hơn 100.000 thành viên. “Việc đầu tiên em nghĩ đến là cộng đồng phải đem lại lợi ích gì cho các thành viên tham gia.
Trước hết, diễn đàn phải tạo điều kiện để những nghệ sĩ trẻ chưa được mọi người biết đến, tương tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau; từ đó, họ có thể tìm thấy những cơ hội. Những cuộc thi, triển lãm cũng là hoạt động phát triển cộng đồng. Và chính cộng đồng này là nguồn cung cấp tác phẩm để Tired City sử dụng cho sản phẩm của mình. Khi tác phẩm được sử dụng, nghệ sĩ được trả tiền bản quyền, thu được lợi nhuận, được cộng đồng biết đến nhiều hơn và thúc đẩy quá trình sáng tạo của nghệ sĩ”, Nguyễn Việt Nam cho biết.
Không ít nghệ sĩ hay doanh nghiệp khai thác, đưa chất liệu văn hóa dân gian, cuộc sống bản địa vào tác phẩm, nhưng không phải ai cũng thành công. Nhiều người đi vào lối mòn, hoặc bị đuối sức cùng với thời gian. Với cách làm của mình, Nguyễn Việt Nam cùng Tired City đang viết tiếp câu chuyện văn hóa Việt theo cách riêng của mình.
Theo nhandan.vn