Công nghiệp quốc phòng bứt phá ấn tượng

Thực hiện mục tiêu 'đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh' theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm 2024, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã có bước phát triển đột phá ấn tượng, từng bước khẳng định năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Làm chủ nhiều công nghệ nền, công nghệ lõi

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024, Tổng cục CNQP giới thiệu nhiều thiết bị không người lái (UAV), xe chiến đấu bộ binh, robot chiến đấu, sản phẩm nghi binh, nghi trang hiện đại... thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNQP nước nhà. Theo Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Phó tham mưu trưởng Tổng cục CNQP, hiện nay, 80% VKTB đưa vào sử dụng trong Quân đội là từ kết quả các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, khẳng định bước tiến mạnh mẽ của nền CNQP Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 sản phẩm thuộc lĩnh vực CNQP công nghệ cao, như: UAV, hàng không vũ trụ, radar, quang điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, tác chiến không gian mạng... Số lượng sản phẩm trưng bày tại triển lãm lần này của Viettel tăng hàng chục sản phẩm so với Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022. Nhiều sản phẩm của Viettel phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu được giới thiệu như: Các loại máy bay không người lái (UAV), tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)...

Toàn bộ quá trình hiện đại hóa tổ hợp S-125-VT đã được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội làm chủ. Ảnh: THÀNH SƠN

Toàn bộ quá trình hiện đại hóa tổ hợp S-125-VT đã được Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội làm chủ. Ảnh: THÀNH SƠN

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, hiện nay, nhiều VKTB công nghệ cao đã được ngành CNQP nghiên cứu, thử nghiệm thành công và sản xuất loạt để đưa vào trang bị cho Quân đội. Đặc biệt, Viettel đã triển khai thành công các hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo của Quân đội. Các sản phẩm đưa vào trang bị cho Quân đội được đánh giá có mức độ tương đương hoặc vượt trội so với sản phẩm đã mua của nước ngoài trước đây, phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội ta, bảo đảm tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Với sự nỗ lực và sáng tạo, thời gian qua, ngành CNQP đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, vũ khí công nghệ cao, vũ khí bộ binh thế hệ mới; đóng mới các tàu quân sự hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại VKTBKT có trong biên chế, kể cả các loại VKTBKT hiện đại. Đồng thời, CNQP làm chủ nhiều công nghệ nền, công nghệ lõi, chủ động sản xuất nhiều chủng loại vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất, sửa chữa VKTBKT, góp phần nâng cao khả năng tự chủ bảo đảm vật tư trong nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu...

Hiện đại khoa học-công nghệ, nhân lực và thể chế

Triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị, nhất là Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, ngành CNQP tập trung hiện đại 3 yếu tố: Khoa học-công nghệ (KHCN), nhân lực và thể chế. Đối với phát triển tiềm lực KHCN, thực hiện một số nhiệm vụ trọng điểm mang tính đột phá, mũi nhọn để tiếp cận và làm chủ công nghệ mới liên quan tới chế tạo vũ khí cho các quân binh chủng. Chú trọng đầu tư nghiên cứu, sản xuất các chủng loại VKTB, khí tài hiện đại, chiến lược trên 5 nhóm sản phẩm chính, gồm: VKTB cho lục quân; tàu quân sự và vũ khí dưới nước; tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự; khí tài quân sự; vật tư kỹ thuật. Ưu tiên ứng dụng công nghệ nền tảng, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện "đi tắt đón đầu" trong một số lĩnh vực công nghệ quân sự đặc thù. Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, sửa chữa. Ứng dụng công nghệ mới, tiến tới làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi trong nghiên cứu, chế thử, sản xuất VKTBKT có hàm lượng công nghệ cao. Hoàn thiện cơ chế quản lý các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN về CNQP...

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến cho biết: “Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Viettel xác định mục tiêu chiến lược trong nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao là tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng, hiện đại, thông minh hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, uy lực hơn; bảo đảm phù hợp với điều kiện môi trường, phương thức tác chiến của Quân đội ta và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế”.

Bàn về vấn đề thể chế, Đại tá Phan Thị Hoài Vân khẳng định, thời gian tới, ngành CNQP tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung tham mưu xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, thi hành luật; cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP hiện đại, huy động nguồn nhân lực, nguồn lực KHCN, nguồn lực tài chính của quốc gia cho phát triển CNQP. Hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, tinh, gọn, hiệu quả và phù hợp với đặc thù ngành CNQP.

Các cơ sở CNQP nòng cốt tổ chức lại theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa VKTBKT. Nghiên cứu xây dựng các cụm CNQP phù hợp với thế bố trí chiến lược trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đề xuất thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ nền, công nghệ lõi. Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh những chế độ đãi ngộ chung, cần có thêm những đãi ngộ đặc thù riêng cho nhân tài có trình độ cao, năng lực vượt trội...

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cong-nghiep-quoc-phong-but-pha-an-tuong-810733
Zalo