Công nghiệp công nghệ số thúc đẩy cách mạng chuyển đổi số
Công nghiệp công nghệ số đã được Trung ương Đảng xác định là một ngành công nghiệp nền tảng, để thúc đẩy cuộc cách mạng Chuyển đổi số. Những nỗ lực này đều hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số, giúp các địa phương, trong đó có Hà Nội phát triển mạnh mẽ.
Công nghiệp công nghệ số: lực lượng chủ lực phát triển
Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Theo thống kê, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Riêng trong năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cơ chế thử nghiệm: một trong những chính sách đột phá
Một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số. Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật. Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số mà pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý, quyết định cho phép thử nghiệm theo từng trường hợp căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực thử nghiệm để bảo đảm tăng cường phân cấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện ngành công nghiệp công nghệ số như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số, phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số toàn diện; phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số ở Hà Nội
Công nghiệp công nghệ số ở Hà Nội đang được phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu hình thành khoảng 10.000 doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2025. Thành phố đã và đang chú trọng vào việc thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.
Theo đó, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Cụ thể, Thành phố ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND, đặt ra các mục tiêu cụ thể như phát triển 10 nhóm sản phẩm công nghệ số chủ lực và ươm tạo 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính quyền Thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tạo ra một thị trường thuận lợi, hỗ trợ các chính sách ưu đãi về thuế và cải thiện hạ tầng số.
Ngoài ra, Hà Nội còn tập trung vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng các khu công nghệ cao, như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ số. Các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại cũng được đẩy mạnh để kết nối các doanh nghiệp công nghệ số với đối tác trong và ngoài nước.
Những nỗ lực này đều hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số, giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời hướng tới một Thành phố thông minh và hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân…
Ngày 30/11/2024, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại… Đồng thời, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam…