Làm chủ công nghệ để vươn tầm
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam diễn ra sáng 15-1, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu: 'Phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ'.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH-CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia diễn ra cách đây vài ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ rõ: KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-12-2024 đã truyền đi thông điệp về tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” để phát huy trí tuệ Việt Nam. Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Nếu như trước đây Việt Nam tập trung nhiều vào ứng dụng, gia công, thì nay sẽ tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn có giá trị cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có làm chủ các công nghệ chiến lược Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết số 57-NQ/TW định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số; làm chủ các công nghệ chiến lược. Như vậy, vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Những thành tựu trong những năm gần đây của các tập đoàn công nghệ Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT… trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ vũ trụ, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, 5G, dịch vụ số thế hệ mới là rất đáng ghi nhận. Từ việc chủ động khâu nghiên cứu-phát triển, đến sản xuất, vận hành và xuất khẩu công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm ra nước ngoài. Từng bước, những doanh nghiệp Việt đã ghi dấu, khẳng định thương hiệu với cộng đồng KH-CN thế giới. Đó là những tín hiệu hết sức đáng mừng, trân trọng khi nói về tiến trình phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số của Việt Nam.
Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD và đang gia tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Đây là mục tiêu rất cao, thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu đạt được thì Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số, như mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra.
Nghị quyết số 57-NQ-TW được ví như “Khoán 10” trong nông nghiệp cách đây 40 năm. Chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng, từ chỗ thiếu và yếu trong KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số, Việt Nam sẽ tiến tới đủ và xuất khẩu lớn về KH-CN và chuyển đổi số, giống như với nền nông nghiệp trước đây. Thành quả gặt hái được sẽ góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào Kỷ nguyên mới; hiện thực hóa mục tiêu mà Đảng đã đề ra: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.