Công nghiệp cơ khí vẫn còn 'lẹt đẹt' khi thiếu vai trò của 'sếu đầu đàn'
Hiện các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí vẫn chưa có đủ tiềm năng và khả năng, nhất là chưa có nhiều doanh nghiệp 'sếu đầu đàn' để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực cũng như kinh nghiệm khi thực hiện các dự án trọn gói.
Thời gian qua, công nghiệp nói chung và công nghiệp cơ khí của Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa cùng phát triển thị trường. Đứng trước dư địa thị trường rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các DN trong ngành cơ khí trong nước vẫn hết sức khó khăn.
Nhận thấy thị trường công nghiệp cơ khí trong nước đã có những chuyển biến tốt về cả lượng và chất, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là một thành công và thể hiện các DN hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài.
“Mặc dù vậy, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu của nước ta vẫn đang rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ các DN mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị. Nguyên chủ yếu vẫn là do các DN chưa có đủ tiềm năng và khả năng, nhất là chưa có nhiều DN “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực cũng như kinh nghiệm khi thực hiện các dự án trọn gói”, ông Phong nhận định.
Ở góc độ DN, ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam chia sẻ, mặc dù đã có những chính sách cho các DN cơ khí nhưng hiện tại vẫn ở khâu lý thuyết. Đặc biệt, để các DN tiếp cận được các chính sách vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục khiến nhiều DN muốn đầu tư, thực hiện ngay nhưng bất khả thi.
“Công nghiệp cơ khí ngày nay cần đáp ứng điều kiện chính xác, nên DN không thể mua những thiết bị máy móc lạc hậu vì tính chính xác sẽ không còn. Nhưng nếu trang bị những máy móc hiện đại, DN sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, trong khi còn phải cạnh tranh với các đối tác mạnh đã có những thiết bị hiện đại để đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế,… những yếu tố này khiến các DN Việt Nam rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Hùng nêu.
Từ thực tế đồng hành cùng hoạt động của các DN cơ khí, nhất là các DN công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, khi đầu tư vào ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất cơ khí các DN sẽ cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, sau đó là máy móc, trang thiết bị và xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để tập dượt trong quá trình xây dựng quy trình đó.
“Tăng cường năng lực cho lĩnh vực cơ khí không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà phải cần từ 2 - 3 hoặc 5 năm nên các DN, nhất là các DNNVV sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tài chính đầu tu về đất đai, nhà xưởng, máy móc và trang thiết bị,... Hiện đa số các DN vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư, nên phải mất từ 5 - 7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nhưng với lãi suất vay 5%, chỉ cần sau 10 năm, giá trị đầu tư đã tăng 50% lãi suất khiến DN không thể bù đắp được”, ông Cường cho biết.
Đứng trước bối cảnh ngày càng có nhiều cơ hội cho đa dạng hóa thị trường của sản phẩm cơ khí, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đề cập, DN cần nghiên cứu kỹ đối với các thị trường xuất khẩu DN đang hướng đến, từ đó nghiên cứu cơ chế chính sách của thị trường đó, đặc biệt là cơ chế chính sách đã được 2 bên ký kết trong các FTA.
“Bộ Công Thương và đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại cần phối hợp với các thương vụ nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở các nước sở tại. Như vậy, các DN cần liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại để có được kế hoạch, đưa catalogue sản phẩm để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, DN cần tìm hiểu các thông tin của một số DN khác đã thành công ở thị trường nước ngoài, lấy đó làm kinh nghiệm để khi vào thị trường mớ để tránh được rủi ro” ông Phong lưu ý.
Công nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và chiếm lĩnh thêm thị phần. Tuy nhiên, các chuyên gia và DN cho rằng, cần thiết phải có sự nâng đỡ về chính sách của các Bộ, ngành và nhà nước trong việc tạo thị trường, liên kết và nâng cao công nghệ cho DN.
Để làm được điều đó, rất cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương, Hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN công nghiệp cơ khí, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới tạo điều kiện cho các DN cơ khó tăng năng lực phát triển sản xuất, vận dụng khả năng đáp ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu.