Kỳ III: Phát triển các cụm công nghiệp theo đúng Quy hoạch

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển 'xanh', lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) được tỉnh Ninh Bình bám sát nhu cầu thực tế nhằm khai thác tối đa hiệu quả, giá trị sử dụng đất, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở địa phương.

Dây chuyền sản xuất ống xả tại Công ty cổ phần Sejung, Cụm công nghiệp Cầu Yên (thành phố Ninh Bình).

Dây chuyền sản xuất ống xả tại Công ty cổ phần Sejung, Cụm công nghiệp Cầu Yên (thành phố Ninh Bình).

Phát huy nội lực

Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp như: lắp ráp ô tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong xu thế hội nhập sâu rộng.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 17 CCN với tổng diện tích 657,9428 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê là 501,19 ha; trong đó 13 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích thành lập 493,94 ha; đất công nghiệp có thể cho thuê là 379,48 ha, đã cho thuê là 333,65 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,92%. Trong 17 CCN, có 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng; các CCN thu hút được 108 dự án thứ cấp và 256 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Doanh thu của các CCN trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho hơn 32 nghìn lao động.

Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Hình thành hệ thống các CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có quy mô hợp lý, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng và từng địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực hiện quy hoạch tỉnh, ngành Công Thương đã rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh phát triển khu, CCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, bảo đảm phát triển bền vững.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình trình Chính phủ phê duyệt phương án phát triển CCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu mặt bằng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với quy mô sản xuất vừa và nhỏ; hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong quá trình điều chỉnh quy mô các CCN hiện hữu.

Theo quy hoạch, toàn tỉnh Ninh Bình sẽ có 24 CCN với tổng diện tích quy hoạch 1.253,73 ha. Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, triển khai thực hiện quy hoạch về phát triển CCN một cách bài bản, phù hợp trên, Sở Công Thương đã từng bước nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển CCN chuyên ngành như xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông...

Ngành Công Thương tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật một số CCN: Trung Sơn, Khánh Hải I, Khánh Hải II tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư thứ cấp; nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu xây dựng mới các CCN: Ninh Vân, Khánh Lợi II, Chất Bình và mở rộng các CCN Gia Lập, Gia Phú, Văn Phong.

Trong giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình đang triển khai, thực hiện thủ tục đầu tư hoặc nghiên cứu, đề xuất đầu tư: Tuyến đường Đông-Tây giai đoạn 2; Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình đi Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình); Khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối tiếp tuyến đường Đông-Tây với Tuyến đường Hồ Chí Minh để liên thông, đồng bộ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, tạo sự kết nối liên vùng giữa đồng bằng Sông Hồng với vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Cùng với đó, trong thu hút đầu tư, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, các cấp dành quỹ đất, đầu tư có trọng điểm vào những ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng; ưu tiên mở rộng các CCN nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; tận dụng hạ tầng cơ sở và tiện ích công cộng, giảm chi phí ban đầu, đưa nhanh các công trình đầu tư vào hoạt động…

Để các quy hoạch phát triển được triển khai theo đúng lộ trình, Ninh Bình cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các CCN. Lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động tại chỗ; ưu tiên đào tạo cho lao động bị mất đất cho xây dựng CCN; xây dựng mạng lưới đào tạo nghề sát với thực tiễn, đa dạng hóa phương thức đào tạo.

Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, trong đó chú trọng lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, nguồn vốn, kinh nghiệm đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp cho các địa phương trong tỉnh thành lập mới hoặc mở rộng các CCN, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô; sản xuất linh kiện điện tử; hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống, làm gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thành lập mới, mở rộng CCN. Tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phấn đấu mục tiêu trước mắt, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 37,0% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 15-20%; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 12,0%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,4%/năm.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-iii-phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-theo-dung-quy-hoach-657762.htm
Zalo