Công nghiệp an ninh mạng tìm đường xuất khẩu
Ngành công nghiệp an ninh mạng Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi các mối đe dọa an toàn thông tin mạng ngày càng gia tăng.

Tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến gia tăng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp an ninh mạng phát triển. Ảnh: Shutterstock
Trưởng thành vượt bậc
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2024, doanh thu ngành an toàn thông tin mạng của Việt Nam đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách nhà nước 794 tỷ đồng, tăng 156,8% so với năm 2023.
Các doanh nghiệp trong ngành đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Công ty An ninh mạng Viettel đạt doanh thu 29 tỷ đồng, tăng 31%; Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 12,4%; Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam đạt 190,1 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023… Các doanh nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam đã góp công sức rất lớn trong ngăn chặn, hạn chế các cuộc tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an ninh an toàn mạng trên cả nước.
Sự trưởng thành vượt bậc của ngành an toàn thông tin Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Theo Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong khối ASEAN về lĩnh vực an ninh mạng.
Có thể thấy, thị trường an toàn thông tin, an ninh mạng Việt Nam tăng trưởng rất mạnh mẽ về cả doanh thu và quy mô thị trường. Mục tiêu được đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc an toàn an ninh mạng với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của đất nước trên không gian mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Phát triển và tiến tới xuất khẩu là mục tiêu của ngành an ninh mạng trong bối cảnh toàn cầu ngày càng gia tăng các nguy cơ đe dọa an toàn thông tin. Trên thực tế, từ năm 2021, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.
Theo đó, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã ký được hợp đồng quốc tế đầu tiên với đối tác tại thị trường Nam Phi. Từ đầu năm 2023, VCS quyết định tiến ra quốc tế để tạo mức trưởng thành mới. Xác định mục tiêu doanh thu từ thị trường quốc tế chiếm tới 30% trong tổng doanh thu của cả công ty trong những năm tới, VCS định hướng đi từng bước nhỏ, tập trung tìm đối tác trước ở một số thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, VCS mở rộng tệp khách hàng tại Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội ở nhiều thị trường khác.
Phấn đấu năm 2025, tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm. Thị trường đạt quy mô trên 500 triệu USD và thị phần trong nước đạt trên 50%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu (GCI) và Top 3 ASEAN.
- Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc VCS, trong bài toán vươn ta toàn cầu, điều quan trọng nhất là tìm đối tác. Muốn làm tốt thì phải hiểu văn hóa, con người. Kinh doanh toàn cầu là phải có tập khách hàng toàn cầu, phải có hệ thống quy trình toàn cầu, nhân sự toàn cầu.
Hay Công ty cổ phần An ninh mạng VinCSS năm 2024 liên tiếp bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài, như Autocrypt (Hàn Quốc), GoGoByte (Trung Quốc), HiTRUST, Webcomm, Smart Displayer (Đài Loan, Trung Quốc), ST Engineering (Singapore)…
“Chúng tôi mong muốn mở mang ra thị trường quốc tế không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, làm tốt hơn và thu về nhiều ý tưởng mới để có thể quay về giải quyết những bài toán trong nước và đóng góp cho Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO VinCSS chia sẻ.
Ông Trác cũng kỳ vọng, Việt Nam sẽ sớm có các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp vươn ra ngoài khu vực như cách Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang làm. Nếu có sự chuẩn bị nghiêm túc và chuyên nghiệp cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin từng bước gây dựng uy tín và chinh phục thị trường quốc tế.
Năm 2024, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS bắt tay với BlueOC và Tập đoàn Accton Technology hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, thúc đẩy cung cấp các dịch vụ an ninh mạng Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Ông Ngô Tuấn Anh, CEO SCS đánh giá, với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, an ninh mạng là thị trường hấp dẫn với quy mô lớn, dịch vụ đa dạng và luôn có cơ hội cho người chơi mới. Tuy vậy, kinh doanh trên thị trường quốc tế, nhất là với một lĩnh vực đặc thù như an ninh mạng, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dẫu vậy, doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam có thế mạnh là nhân sự chuyên môn tốt, dịch vụ cung cấp đa dạng, giá cả cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành an ninh mạng, an toàn thông tin cần mở rộng không gian, tăng thị phần cho dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin. Để làm được điều này, cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đồng bộ, đánh giá mức độ, chất lượng sản phẩm tương đương, ngang hàng thế giới. Bên cạnh đó, ngoài tiêu chuẩn chung quốc tế, thì lĩnh vực an toàn thông tin cần có tiêu chuẩn "may đo" Việt Nam. Việc tạo ra tiêu chuẩn đặc thù vừa tạo sự bền vững cho đất nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, lĩnh vực an toàn thông tin của của Việt Nam có thứ hạng cao và được xem là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số. Vì vậy, cần tận dụng lợi thế này để phát triển thương hiệu Việt Nam về an toàn an ninh mạng trên thị trường quốc tế.
“Thị trường công nghệ số Việt Nam hiện nay vô cùng cạnh tranh nhờ sản phẩm tốt cùng chi phí thấp. Do đó, việc doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế đi ra nước ngoài vừa để cọ sát, kiểm chứng sản phẩm, vừa mang lại cho mình những cơ hội và lợi thế cạnh tranh nhất định là điều nên làm. Hiện nay, số doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam phát triển ở thị trường quốc tế vẫn còn ít, nên tận dụng cơ hội này để phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đặt mục tiêu và nỗ lực đạt doanh thu trong nước 30% và doanh thu nước ngoài 70%”, ông Hùng nhấn mạnh.