Công nghệ xanh biến phế phẩm thành tài nguyên xanh

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều giải pháp công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh được quan tâm tại Triển lãm về Tăng trưởng xanh. Trong đó, đáng chú ý là các sản phẩm thân thiện môi trường được sáng tạo từ chất thải thực phẩm và phế phẩm, phụ phẩm trong ngành nông nghiệp.

Một trong những sản phẩm của BUYO sản xuất từ những phế phẩm của ngành nông nghiệp.

Một trong những sản phẩm của BUYO sản xuất từ những phế phẩm của ngành nông nghiệp.

Ba năm trước, với mong muốn tìm kiếm vật liệu mới thay thế nhựa, đặc biệt là túi ni-lông, BUYO Bioplastics - một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) của Việt Nam ra đời, tập trung phát triển công nghệ sản xuất nhựa sinh học có nguồn gốc hữu cơ như bã bia, bã sắn có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Với công nghệ vật liệu sinh học tiên phong do BUYO phát triển, những phế phẩm từ ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm đã được chuyển hóa thành “tài nguyên” cho vật liệu bao bì phân hủy sinh học, không tạo vi nhựa, nhưng vẫn bảo đảm tính năng tương đương nhựa thông thường.

Ngoài ra, BUYO còn sở hữu công nghệ vi sinh độc quyền để sản xuất ra các vật liệu kỹ thuật cao trong y sinh và dược mỹ phẩm. Hiện BUYO đã vận hành nhà máy công suất 120 tấn/năm tại Việt Nam, đang chuẩn bị nhân rộng quy mô lên gấp 10 lần trong thời gian tới, đồng thời có kế hoạch mở rộng thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ. Đây là một trong sáu startup tiêu biểu của Việt Nam trong danh sách nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ P4G đối với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu.

Đón trước nhu cầu lớn về nhựa sinh học thế hệ mới, BUYO đang ưu tiên giải pháp tăng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đầu tư cải thiện công nghệ, giảm giá thành để có thể cạnh tranh về giá.

Bà Đỗ Hồng Hạnh, CEO và đồng sáng lập của BUYO Bioplastics cho biết: “Hiện công ty trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để giải pháp xanh có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y sinh, mỹ phẩm, dệt may”.

Tại triển lãm, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã quan tâm, kết nối với startup này tham gia các ngành hàng như bao bì, tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, khách sạn.

Tại Triển lãm về Tăng trưởng xanh, những tấm vải được kéo sợi và dệt bằng xơ dứa được giới thiệu. Đây là sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp cơ học, không sử dụng nước và hóa chất.

Công ty cổ phần Nghiên cứu đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam (Vietfiber) sở hữu dây chuyền sản xuất xơ bông hóa chuyên biệt cho xơ dứa, không sử dụng nước trong quá trình phân tách xơ nên không ảnh hưởng môi trường đất và nước.

Theo đại diện của Vietfiber, quy trình của công nghệ này giúp tiết kiệm 400 nghìn m3 nước sản xuất, giảm được 400.000 m3 lít nước thải, giảm được 1,12 triệu lít hóa chất dùng để xử lý xơ và tiết kiệm được 2.750 tấn than dùng để xử lý xơ. Điều này cũng làm giảm 30% giá thành so với phương pháp dùng nước và hóa chất.

Vừa tận dụng 52.000ha lá dứa bị bỏ phí vừa ngăn chặn ô nhiễm do đốt lá, Vietfiber đặt mục tiêu cung cấp 63.000 tấn xơ mỗi năm, thay thế hoàn toàn bông nhập khẩu và thúc đẩy thời trang xanh.

Hệ thống sản xuất được tự động hóa từ khâu cắt lá, tách xơ đến tạo sợi bông hóa. Đây là một mô hình hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải trong ngành dệt may và phát triển bền vững. Qua đó tận dụng hiệu quả phế phẩm, bã thải lá dứa được tái sinh thành phân vi sinh và thức ăn chăn nuôi, màu thực phẩm.

Dù mô hình từ xơ dứa này tạo được công ăn việc làm cho khoảng 1.650 lao động nữ, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn tìm kiếm nguồn để tăng vốn lưu động cho nhà máy sản xuất xơ thô, bảo đảm nguyên liệu đủ sản xuất.

Từ lâu, chất thải rắn là phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp thường được xử lý bằng những cách thức không thân thiện với môi trường như đốt rơm rạ, chôn lấp... gây ra hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất và không khí. Một giải pháp đột phá công nghệ xanh cũng được nhận hỗ trợ từ P4G là NetZero Pallet - tấm pallet sinh học làm từ phế phẩm nông nghiệp và pallet hỏng.

Pallet là nền phẳng được sử dụng để lưu trữ, vận chuyển và hỗ trợ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, trở thành một thành phần không thể thiếu trong logistics hiện đại và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp.

Công nghệ NetZero Pallet của AirX Carbon có khả năng chịu tải lên tới 5 tấn không chỉ thay thế cho pallet nhựa và gỗ truyền thống, mà còn giúp giảm chi phí từ 20-50%, tiết kiệm 70% diện tích lưu trữ và nâng cao hiệu suất vận chuyển lên đến 300%. Với khả năng phân hủy sinh học và âm carbon, sản phẩm góp phần thực hiện các tiêu chuẩn xuất khẩu xanh, ESG.

Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ứng dụng công nghệ sản xuất cho thấy, giải pháp này không chỉ giảm việc đốt rơm rạ ngoài trời mà còn tạo thu nhập đáng kể cho nông dân, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước và nước ngoài giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng của mình.

Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững, đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu mang tới công nghệ, giải pháp Gasio biến phế liệu của ngành nông-lâm nghiệp thành nhiệt sạch và rẻ, đồng thời tạo ra than sinh học với 96% carbon, dùng làm phân bón và giúp chôn lấp carbon.

Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế ở Việt Nam và quốc tế, ứng dụng linh hoạt trong nông sản, bếp ăn, lò hơi và phát điện. Nhiều địa phương đang tìm hiểu giải pháp này để tận dụng khai thác các vùng trồng lớn như vùng chè, lúa, rừng nguyên liệu, cụm làng nghề.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh cho việc nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nhờ các nghiên cứu giải pháp sáng tạo, ngoài phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải thực phẩm cũng được “chuyển hóa” thành các giải pháp xanh, được trưng bày tại Triển lãm về Tăng trưởng xanh.

Hệ thống máy Eco Oil với ứng dụng công nghệ Flow Metric và AI tự động thu gom dầu ăn đã qua sử dụng, đang được vận hành tại một số khu dân cư ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Cẩm Thi, quản lý vận hành của ReFeed, đơn vị triển khai dự án giải pháp thu gom và tái chế dầu ăn chia sẻ: “Bằng quy trình minh bạch, an toàn và thân thiện môi trường, Eco Oil giúp chuyển đổi 100% dầu ăn đã qua sử dụng thành nguyên liệu cho xăng sinh học. Công nghệ cho phép quản lý chính xác lượng dầu thu gom, bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng, đồng thời giảm lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường. Từ cơ sở dữ liệu về nguồn gốc dầu thu gom, quy trình tái chế và chất lượng sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp sẽ nhận được báo cáo ESG minh bạch hằng năm, là minh chứng cho những đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh...”.

Nếu được tận dụng cao nhất nguồn lợi, các loại phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải thực phẩm sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội.

Nếu được tận dụng cao nhất nguồn lợi, các loại phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải thực phẩm sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội.

Dù đã nhận thức tầm quan trọng cũng như chủ động ứng dụng công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhưng việc tiếp cận nguồn lực tài chính nhằm mở rộng đội ngũ, năng lực sản xuất và phát triển thị trường mới vẫn là khó khăn và thách thức của hầu hết các startup.

Hướng tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết đối tác với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp để nhân rộng và phát triển các giải pháp công nghệ xanh.

TRÀ MY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-nghe-xanh-bien-phe-pham-thanh-tai-nguyen-xanh-post873622.html
Zalo