Công nghệ và cảm xúc cho truyền thông tiếp thị 2025
Truyền thông tiếp thị 2025 sẽ tập trung vào việc kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu cảm xúc khách hàng để có được những chiến lược hiệu quả và nhân văn.
Truyền thông tiếp thị đang bước vào một giai đoạn thay đổi mạnh mẽ trong những năm tới. Các xu hướng công nghệ và dữ liệu, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), đang tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho những người làm trong ngành. Theo ông Đoàn Đức Thuận, chuyên gia chiến lược tiếp thị, ngành truyền thông và tiếp thị sẽ chủ yếu tập trung vào hai xu hướng chính là số và xanh trong thập kỷ tới.
Hiện nay, khách hàng đang bị quá tải với quảng cáo và thông tin, khiến việc duy trì sự trung thành trở nên ngày càng khó khăn. Với sự hỗ trợ của công nghệ trong hành trình mua hàng, họ cũng đang trở nên khó đoán.
“Khách hàng đã có thể quyết định mua hàng trước khi liên hệ với doanh nghiệp và hành trình mua sắm của họ ngày nay không còn phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm truyền thống”, ông Phan Hải, Giám đốc điều hành Xanh Marketing nhấn mạnh trong sự kiện Táo Marcom 2024 do VMCC tổ chức.
Nếu như trước đây khách hàng thường sử dụng công cụ tìm kiếm như Google để tìm kiếm thông tin thì giờ đây, họ có thể sử dụng AI để tìm kiếm một cách nhanh chóng và hiệu quả, thậm chí lên sẵn một lịch trình tối ưu chỉ trong vài phút.
Theo ông Thuận, tư duy truyền thống về truyền thông và tiếp thị không còn hiệu quả trong bối cảnh này. Sự thay đổi từ mô hình tuyến tính sang mô hình tuần hoàn với việc sử dụng công nghệ dữ liệu để xác định thời điểm khách hàng quyết định mua hàng là xu hướng quan trọng.
Trong đó, dự đoán, thúc đẩy và học hỏi là các chiến lược giúp thương hiệu hiểu và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bằng cách thu thập dữ liệu như sức khỏe, vị trí và tín hiệu xã hội, thương hiệu có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp và điều chỉnh thông điệp, giá cả để phù hợp với khách hàng.
Công nghệ, đặc biệt là AI, đang dần thay đổi cách thức làm marketing tại Việt Nam, mang đến khả năng hiểu biết sâu sắc về khách hàng và tạo ra giá trị thực tiễn cho các doanh nghiệp. AI giúp cải thiện hiệu quả trong việc tiếp cận và phục vụ khách hàng, từ việc phân tích dữ liệu cho đến tối ưu hóa các chiến lược marketing.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho biết, sự phát triển của AI là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp, trong đó có Nielsen, không thể bỏ qua. AI không chỉ giúp thu thập dữ liệu từ các nguồn thứ cấp (như nghiên cứu sẵn có) mà còn hỗ trợ trong việc khai thác dữ liệu sơ cấp từ chính người tiêu dùng. Thông qua việc lục lại các dữ liệu quá khứ, AI có thể đưa ra các đề xuất chính xác, mặc dù đôi khi vẫn có hạn chế khi đi sâu vào những yêu cầu rất cụ thể của khách hàng.
Là một đơn vị chuyên về nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu, Nielsen đã nghiên cứu về AI và đưa vào ứng dụng từ năm 2015. Hiện nay, họ có đội ngũ gần 200 chuyên gia quốc tế và 40 tiến sĩ chuyên nghiên cứu về công nghệ này. Theo bà Hà, AI không chỉ giúp phân tích và mô tả dữ liệu mà còn đưa ra các gợi ý sáng tạo, giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp khi thiếu ý tưởng đổi mới.
Bà Hà cũng cho biết, hướng tới tương lai, Nielsen đang nghiên cứu người trả lời ảo (virtual respondent). Đây là một công cụ có thể mô phỏng hành vi của các nhóm khách hàng khác nhau, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thử nghiệm và đánh giá các ý tưởng truyền thông mới.
Tuy nhiên trong Táo Marcom 2024, các chuyên gia truyền thông và tiếp thị nhấn mạnh, dù công nghệ AI mang lại nhiều lợi ích, doanh nghiệp cần sử dụng nó như một công cụ hỗ trợ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nó.
Ông Phùng Thái Học, nhà sáng lập Tâm Sự Con Sen cho rằng, sự phổ biến của AI đã giúp giảm bớt rào cản gia nhập ngành truyền thông và tiếp thị, khiến khoảng cách giữa các chuyên gia và những người mới bắt đầu trở nên nhỏ hơn. Các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhưng đôi khi lại mang tư duy bảo thủ và thiên kiến, trong khi những người mới bắt đầu không có kinh nghiệm nhưng lại có thể dễ dàng tiếp cận công cụ và học hỏi nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, khi gia nhập ngành quá dễ dàng và có sự trợ giúp mạnh mẽ từ công cụ này, những người mới có thể thiếu cái nhìn tổng thể và không phát triển được kiến thức sâu rộng. Điều này dẫn đến việc họ chỉ tập trung vào việc sử dụng công cụ mà không chú trọng đến việc phát triển kỹ năng cá nhân và hiểu biết chuyên môn để chuẩn bị cho đường dài.
Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung hoặc thực hiện công việc một cách dễ dàng, họ có thể mất động lực học hỏi và phát triển. Khi thăng tiến lên các vị trí quản lý, họ sẽ gặp khó khăn trong việc dẫn dắt đội ngũ vì thiếu nền tảng vững chắc để đối mặt với những thử thách lớn hơn.
Hiểu để thương
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông Nguyễn Đức Sơn, nhà sáng lập Interloka nhấn mạnh, marketing vẫn là một lĩnh vực cần đến yếu tố con người và cảm xúc.
“Marketing không chỉ đơn giản là việc thu hút khách hàng, mà còn là quá trình tạo ra giá trị thực sự cho họ”, ông Sơn nói.
Công nghệ có thể giúp thương hiệu hiểu khách hàng một cách hiệu quả nhưng sự thấu hiểu cảm xúc và nhu cầu sâu xa cũng như nỗi đau của khách hàng thì chỉ có thể đạt được qua sự kết nối chân thành giữa con người với nhau.
Trong những năm qua, ngành truyền thông và tiếp thị được nhiều người trẻ lựa chọn do cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều so với trước đây khi mà có quá nhiều nền tảng và xu hướng mới.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Phó hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), điều đó cũng đặt ra thử thách với những người làm giảng dạy trong việc thay đổi liên tục để thích ứng với bối cảnh. Dù vậy, ông Khôi khẳng định, trường vẫn luôn chú trọng đến việc giảng dạy nền tảng vững chắc, bởi dù công nghệ và thế giới ảo phát triển, tính chân thật và nền tảng vững chắc vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
“Tìm kiếm bên ngoài là tìm kiếm giấc mơ, tìm bên trong là có sự thức tỉnh đầu tiên cho chính mình”, ông Sơn đồng tình và dẫn lời nhà tâm lý học Carl Jung.
Hiểu để thương, theo ông Sơn, không chỉ là việc nhận thức về thế giới xung quanh, mà còn là sự thấu hiểu chính mình và những yếu tố vô hình ảnh hưởng đến quyết định của người khác. Nếu Platon từng nói “chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” thì theo ông Sơn, hiểu được chính mình là bước đầu tiên để phát triển các mối quan hệ bền vững.
Trong một lần làm việc với chuỗi khách sạn tầm trung tại Đà Nẵng, Hội An và Đà Lạt, khi trò chuyện với du khách từ Anh và New Zealand, nhà sáng lập Interloka nhận thấy rằng mặc dù du khách tìm kiếm sự "thoải mái" khi lựa chọn khách sạn, nhưng yếu tố khiến họ từ chối lại không phải là những yếu tố không thoải mái mà chính là nỗi sợ về một chiếc giường ngủ bẩn thỉu và nhà vệ sinh hôi hám.
Cũng chính vì thấu hiểu được nỗi sợ này của người đi du lịch mà những khách sạn chú trọng vào việc duy trì hình ảnh sạch sẽ và an toàn như trong câu chuyện kể trên đã thành công trong việc tạo dựng lòng tin và sự trung thành của du khách.
Những nỗi sợ nhiều khi mang tính tiềm ẩn mà khách hàng cũng chẳng thể xác định được nhưng lại chi phối mạnh mẽ đến hành vi của họ. Nếu không có được sự kết nối sâu sắc giữa người với người, và không phát triển thương hiệu mang tính nhân bản thì thương hiệu sẽ khó có thể tạo giá trị cho khách hàng.
“Đôi khi, những điều bình thường lại mang ý nghĩa rất quan trọng, không phải mọi insight đều là những hiểu biết sâu sắc hay phức tạp”, ông Sơn nhấn mạnh.