Công nghệ số phá 'trận đồ' hàng giả
Trong thế giới tiêu dùng hiện đại, nơi công nghệ thông tin và dữ liệu đang lan tỏa vào mọi mặt của cuộc sống, một vấn đề đau đầu vẫn tồn tại, không dễ dàng giải quyết, đó là sự xuất hiện của hàng giả. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu đã trở thành một yếu tố then chốt để có thể xử lý triệt để vấn đề này.
Từ gây hại cho sức khỏe đến xâm hại niềm tin của người tiêu dùng
Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ sản xuất, mua bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả… đã bị các đơn vị của Bộ Công an và Công an nhiều tỉnh, thành phố phát hiện, xử lý. Sự gian dối trong sản xuất, mua bán hàng hóa không chỉ dừng lại ở những hộp sữa giả hay thực phẩm chức năng kém chất lượng, mà còn là những sản phẩm thiết yếu có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Rõ ràng, các loại thuốc điều trị các bệnh lý nặng, hoặc thậm chí là các vật dụng y tế bị làm giả không đảm bảo được chất lượng, không kiểm soát được thành phần sẽ gây nguy hại đến tính mạng của người sử dụng.
Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Trong dòng chảy sôi động của nền kinh tế thị trường, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng không ngừng, thì cũng là lúc các mặt trái của thương mại bắt đầu lộ rõ. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như những "bóng ma" âm thầm len lỏi vào từng cửa hàng, hiệu thuốc, góc chợ, gian hàng, gói hàng chuyển phát, thậm chí cả các nền tảng thương mại điện tử. Không chỉ là những chiếc áo gắn nhãn hiệu giả hay lọ mỹ phẩm trộn lẫn hóa chất không rõ nguồn gốc, mà còn có cả thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng... được làm giả một cách tinh vi, đặt sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng vào tình thế bị đe dọa.

Bên cạnh đó, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, phân phối sản phẩm không rõ xuất xứ vẫn diễn ra một cách phổ biến, bất chấp nhiều nỗ lực quản lý và kiểm tra. Trên không gian mạng, tình trạng gian lận thương mại, lừa đảo, gian lận tài chính trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng núp bóng kinh doanh online, lợi dụng sự thiếu kiểm soát của các nền tảng số để bán hàng giả, trốn thuế, thậm chí rửa tiền xuyên biên giới. Trong mê trận ấy, người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp chân chính thiệt hại nặng nề.
Những sản phẩm giả này khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào những thương hiệu lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, thị trường hàng giả không chỉ là mối lo ngại lớn về sức khỏe mà còn là nỗi lo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Các doanh nghiệp chân chính luôn phải đối mặt với tình trạng làm giả sản phẩm của họ, gây mất uy tín và thiệt hại về doanh thu. Thậm chí, khi hàng giả tràn lan trên thị trường, những doanh nghiệp sản xuất thật sự còn có thể đối mặt với các vụ kiện tụng, đòi hỏi một mức chi phí khổng lồ cho việc bảo vệ thương hiệu.
Trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực không ngừng để đối phó với vấn nạn hàng giả, những phương pháp truyền thống ngày càng tỏ ra không hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý vấn đề này. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu đã trở thành một yếu tố then chốt để có thể xử lý triệt để vấn đề này. Chính công nghệ với dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, định danh điện tử, mã hóa truy xuất nguồn gốc, blockchain cũng đang trở thành "lá chắn" mới, vũ khí chủ lực trong cuộc chiến chống hàng giả. Khi dữ liệu trở thành yếu tố sống còn, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thị trường và bảo vệ tương lai phát triển bền vững của quốc gia.
Lực lượng Công an, đặc biệt là trong các chiến dịch truy quét hàng giả, đã bắt đầu triển khai những hệ thống dữ liệu số, kết nối thông tin từ các nhà sản xuất, cửa hàng bán lẻ, và các giao dịch tiêu dùng. Hệ thống này không chỉ giúp truy vết nguồn gốc sản phẩm, mà còn giúp phân tích và xác định nhanh chóng các dấu hiệu bất thường trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Khi một sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ, hệ thống sẽ lập tức thông báo cho các cơ quan chức năng, từ đó giúp tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Mới đây, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã làm việc với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan thống nhất giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa chất, tiền chất để kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo đánh giá của Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhất là việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trên thương mại điện tử, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng, chống hàng giả. Tại Kết luận 132 của Bộ Chính trị cũng có nội dung "khẩn trương định danh và xây dựng Cơ sở dữ liệu về hóa chất, các chất… để kiểm soát chặt chẽ…; Khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý địa bàn….". Hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, Đề án 06 của Chính phủ, cũng mở ra nền tảng quan trọng để định danh người bán, giám sát giao dịch thương mại điện tử, và liên kết thông tin giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân. Khi tất cả được kết nối bằng dữ liệu thật, gian dối sẽ không còn chỗ ẩn náu.
Dữ liệu và công nghệ là “chìa khóa”
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc quản lý và chống lại tội phạm sản xuất, mua bán hàng giả. Dữ liệu là “chìa khóa” giúp các cơ quan chức năng phát hiện những mối nguy tiềm ẩn ngay từ những bước đầu trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Các công cụ công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và dữ liệu lớn (Big Data) giúp phân tích, nhận diện những hành vi bất thường trong giao dịch mua bán, từ đó giúp phát hiện sớm các sản phẩm giả mạo. Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về hàng hóa, hóa chất, tiền chất là điều cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một quy trình để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, an toàn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Lực lượng Công an liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ án sản xuất, mua bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và sữa giả trong thời gian qua.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đánh giá: Một trong những ứng dụng đáng chú ý trong cuộc chiến chống hàng giả mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiệu quả là sử dụng AI để phân tích dữ liệu mua bán hằng ngày. Hệ thống AI có thể rà soát hàng triệu giao dịch mua bán chỉ trong vài giây, tìm kiếm những dấu hiệu nghi ngờ về sản phẩm hoặc hành vi tiêu dùng. Khi phát hiện ra những bất thường, hệ thống AI sẽ đưa ra cảnh báo, giúp các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Hệ thống dữ liệu lớn cũng giúp theo dõi và phân tích xu hướng tiêu dùng của người dân. Thông qua việc kết nối với các cơ sở dữ liệu toàn quốc, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng xác định các vùng có tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm giả cao, từ đó triển khai các chiến dịch kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, dữ liệu Blockchain là một công nghệ quan trọng khác trong việc ngăn chặn hàng giả. Blockchain cung cấp một hệ thống dữ liệu không thể sửa đổi và minh bạch, giúp theo dõi quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ của mỗi sản phẩm. Chỉ cần quét mã QR trên bao bì, người tiêu dùng có thể tra cứu ngay lập tức nguồn gốc sản phẩm, biết được thông tin về chất lượng và các tiêu chuẩn sản xuất mà sản phẩm này đã tuân thủ. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, mà còn ngăn chặn hành vi gian lận của các nhà sản xuất bất lương.
Việc áp dụng Blockchain không chỉ giúp phát hiện sản phẩm giả mà còn đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thể bảo vệ thương hiệu của mình trước các đối thủ cạnh tranh bất hợp pháp. Hệ thống này giúp duy trì tính minh bạch và trung thực trong chuỗi cung ứng, đồng thời làm giảm tối đa các nguy cơ bị xâm hại. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc chiến chống hàng giả chính là sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất lớn, có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc cung cấp dữ liệu về sản phẩm, giúp đảm bảo rằng sản phẩm của họ luôn được kiểm tra và giám sát một cách chặt chẽ. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể phối hợp với lực lượng chức năng để triển khai các hệ thống giám sát và phát hiện hàng giả ngay từ khâu sản xuất, giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của hàng giả trên thị trường. Sự hợp tác này không chỉ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm mà còn giúp các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.
Dưới góc độ quản lý ngành, thông tin với PV, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đánh giá: Bộ Y tế tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả. Đồng thời, yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương.
Rõ ràng, cuộc chiến chống hàng giả vẫn còn rất gian nan, nhưng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ số, đặc biệt là các công cụ như AI, Blockchain và dữ liệu lớn, chúng ta đang dần có thể tạo ra một lá chắn bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Khi các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay, cuộc chiến này sẽ có cơ hội giành chiến thắng, bảo vệ được một tương lai không còn hàng giả và một nền kinh tế an toàn, vững mạnh, ở đó người dân, người tiêu dùng bỏ tiền ra được sử dụng sản phẩm với chất lượng thật.
Các thuật toán AI cũng có thể so sánh mã hoặc nhãn sản phẩm để xác minh tính xác thực, giúp các thương hiệu và nhà bán lẻ chủ động phát hiện và ngăn chặn việc phân phối hàng giả.