Công nghệ số: 'Chìa khóa' tối ưu hóa quản lý chăn nuôi

Tại hội thảo về ứng dụng mô hình số trong quản lý cơ sở chăn nuôi do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 28/11, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi số thông minh cho ngành chăn nuôi.

Áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nhất là việc quản lý trang trại chăn nuôi quy mô lớn không hề đơn giản. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao và lợi nhuận lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự chuyển đổi từ hình thức nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học, không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng của các địa phương mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, hướng đi này cũng hỗ trợ người chăn nuôi chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào thực tế.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp quản lý, sản xuất chăn nuôi được hiệu quả và phù hợp với xu thế. Ảnh: VGP

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp quản lý, sản xuất chăn nuôi được hiệu quả và phù hợp với xu thế. Ảnh: VGP

Trong những năm gần đây, các giải pháp công nghệ số đã và đang được áp dụng mạnh mẽ trong quản lý chăn nuôi. Thay vì sử dụng phương pháp truyền thống, nhiều chủ trang trại đã triển khai các hệ thống máy móc, thiết bị và phần mềm tiên tiến, giúp tự động hóa quy trình quản lý, giám sát và vận hành.

Việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain không chỉ đơn giản hóa các công đoạn phức tạp như thu thập dữ liệu, kiểm tra và phân phối mà còn tối ưu hóa năng suất và chất lượng sản xuất. Các công nghệ này mang lại khả năng theo dõi sức khỏe vật nuôi theo thời gian thực, quản lý thông tin về cân nặng, tuổi tác và tình trạng sinh sản của từng cá thể trong đàn một cách chính xác.

Hơn thế nữa, nhờ việc áp dụng công nghệ định danh, người chăn nuôi có thể dễ dàng phân biệt và quản lý đàn vật nuôi, từ đó giảm thiểu sai sót trong quá trình ghi nhận dữ liệu và vận hành chuỗi cung ứng.

Thực tế tại một số địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam, như các mô hình tại Hà Nam, Bắc Ninh hay Đồng Nai, cho thấy việc ứng dụng số hóa đã thúc đẩy hiệu quả sản xuất lên gấp nhiều lần. Những hệ thống hiện đại này không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công mà còn tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Cường, đại diện Công ty LOBI Việt Nam đã trình bày nhiều giải pháp chuyển đổi số thông minh trong chăn nuôi. Ông cho rằng, việc ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên biệt sẽ giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng đàn vật nuôi, từ đó tăng hiệu suất sản xuất.

“Đặc biệt, các công cụ số cho phép người chăn nuôi giám sát toàn diện, từ việc kiểm tra chu kỳ sinh sản, lịch tiêm phòng cho đến việc phân tích dữ liệu nhằm dự đoán và ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng khuyến khích việc áp dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng, giúp đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.

Các đại biểu cũng cho rằng, cùng với việc ứng dụng số hóa, các cơ sở sản xuất chăn nuôi nên sử dụng dược liệu để thay thế cho kháng sinh. Đây là một giải pháp mang tính đột phá, vừa giúp tăng cường sức đề kháng của vật nuôi một cách tự nhiên, vừa giúp bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Qua đó, giúp phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng sinh học, tuần hoàn, phù hợp với xu thế chăn nuôi hiện đại. Việc sử dụng dược liệu thay thế kháng sinh cho sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có lợi cho người tiêu dùng, nâng cao tầm vóc, thể chất và trí tuệ cho người Việt.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc, với chuyển đổi số được xem như “đòn bẩy” quan trọng để nâng tầm giá trị. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số thực sự phát huy hiệu quả, cần sự chung tay của các cấp, ngành trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Điều này bao gồm cả việc đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng số phù hợp…

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-nghe-so-chia-khoa-toi-uu-hoa-quan-ly-chan-nuoi-d231267.html
Zalo