Công nghệ len lỏi đến từng nương rẫy, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên chuyển mình

Những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện một cuộc 'cách mạng nông nghiệp' khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Điện Biên – mảnh đất miền núi Tây Bắc với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn gắn bó lâu đời với cây lúa nương, ngô, sắn. Thời gian qua, các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây đặc sản địa phương gắn với chế biến và tiêu thụ.

Từ cây lương thực đến cây hàng hóa

Theo ngành nông nghiệp Điện Biên, chỉ trong giai đoạn 2020–2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất dốc sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, mắc ca, chanh leo, chuối tiêu hồng…

Điển hình như bản Nậm Pố (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ), nơi bà con dân tộc Mông đã thay thế lúa nương bằng 25 ha cây chanh leo. Nhờ kỹ thuật chăm sóc theo quy trình sạch, mô hình đã cho thu nhập cao gấp 4–5 lần so với cây trồng cũ.

Những loại cây trồng mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên làm giàu.

Những loại cây trồng mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên làm giàu.

“Nhà tôi trước đây chỉ đủ ăn, trồng chanh leo giờ mỗi năm bán được hơn 100 triệu đồng. Con cái được đi học, có xe máy đi lại,” anh Vừ A Phá, hộ sản xuất tại Nậm Pố chia sẻ.

Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mở ra một tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân Điện Biên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, về việc sản xuất phải gắn với thị trường, gắn với công nghệ và liên kết chuỗi.

Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Điện Biên là việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Những công cụ từng xa lạ như điện thoại thông minh, mã QR, sàn thương mại điện tử… nay đã trở thành công cụ sản xuất và tiêu thụ nông sản không thể thiếu với nhiều hộ nông dân miền núi.

Để có được kết quả này, các ban ngành của tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chuyển đổi số cho nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Người dân được hướng dẫn tạo tài khoản trên Postmart, Voso, Zalo Shop… để đưa nông sản như chuối, cà phê, gạo Điện Biên lên sàn.

Ấn tượng từ các HTX

Đánh chú ý, trong quá trình số hóa nông nghiệp ở Điện Biên, các HTX , tổ hợp tác đang khẳng định dấu ấn đậm nét. Như tại huyện Mường Ảng, HTX Cà phê Bích Thao là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong chế biến và tiêu thụ nông sản.

Giám đốc HTX Lò Thị Bích cho biết: “Trước kia, cà phê bán qua thương lái, giá cả bấp bênh. Từ khi HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, làm tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng trong cả nước biết đến cà phê Mường Ảng nhiều hơn, giá bán tăng hơn 30%”.

Không chỉ dừng ở bán hàng, HTX còn đầu tư dây chuyền chế biến, đào tạo kỹ năng marketing, livestream, thiết kế bao bì cho các thành viên. Nhờ đó, hơn 80 hộ dân là đồng bào Thái và Mông đã có việc làm ổn định, thu nhập từ 5–8 triệu đồng/tháng.

Mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được nhân rộng tại nhiều nơi. Đơn cử, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Điện Biên) hiện liên kết trồng gần 200 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

Toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói tại HTX đều được ghi chép và số hóa trên phần mềm điện thoại. Sản phẩm “Gạo Điện Biên Pearl” của HTX được dán mã QR và tiêu thụ tại Hà Nội, TP.HCM thông qua các kênh online.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Trước đây, chúng tôi chỉ biết bán gạo ở chợ phiên. Giờ có mã QR, có livestream, người miền xuôi cũng biết gạo mình ngon thế nào. Giá bán cao hơn, bà con phấn khởi lắm,” bà Lường Thị Hoài, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên chia sẻ.

Có thể nói, trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp tại Điện Biên, các HTX đang trở thành điểm tựa quan trọng, là nơi khởi phát đổi mới và lan tỏa tri thức đến người dân. Không chỉ sản xuất, HTX còn đóng vai trò đào tạo, kết nối thị trường và tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.

Thành lập năm 2022, HTX Nông nghiệp Dân tộc Cống Hua Thanh (huyện Điện Biên) quy tụ hơn 30 hộ dân người Cống – một dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Từ việc khai thác cây dược liệu tự nhiên, HTX đã chuyển sang trồng sâm Lai Châu, cà gai leo, nghệ đen… theo mô hình canh tác hữu cơ.

Với sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến nông và dự án OCOP, sản phẩm của HTX đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử và được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức thu nhập 6–7 triệu đồng/tháng.

Những thay đổi mang tính bền vững

Từ những mô hình trên, có thể thấy, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã giúp nông nghiệp Điện Biên từng bước bứt phá.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp ứng dụng công nghệ và mô hình HTX là chìa khóa giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Trong sự thành công chung, không thể không nhắc đến những đóng góp của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên. Thông qua nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, mô hình HTX tại tỉnh miền núi này đang từng bước đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nổi bật trong số đó là các chương trình hỗ trợ phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị. Chỉ tính riêng giai đoạn 2022–2024, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các huyện Mường Ảng, Điện Biên và Điện Biên Đông.

Các HTX như HTX Nông nghiệp Tâm Phát, HTX Nông sản sạch Mường Luân đã được hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến, kho bảo quản nông sản cũng như kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, chương trình “HTX với đồng bào dân tộc thiểu số” được triển khai tại Điện Biên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ dân là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú được tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý, sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số HTX tiêu biểu như HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, áp dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng hỗ trợ thành lập mới các HTX, tập huấn quản trị HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Nhờ đó, các HTX tại Điện Biên không chỉ phát triển bền vững mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, nhất là phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam đã trở thành cú hích quan trọng giúp kinh tế hợp tác tại tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nơi vùng cao biên giới.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/cong-nghe-len-loi-den-tung-nuong-ray-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-dien-bien-chuyen-minh-1106183.html
Zalo