Kết nối cung cầu nông sản Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng và Nghệ An
Sáng 22/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nông sản giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng và Nghệ An.

Đại diện ngành nông nghiệp, du lịch và các cơ sở sản xuất của các tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ.
Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, Hà Nam; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình; đại diện các Khu du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh; đông đảo các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản các tỉnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Theo đó, tuy diện tích đất, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh không lớn nhưng sản phẩm nông sản của tỉnh rất phong phú, đa dạng. Diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh ước đạt gần 91 nghìn ha, trong đó diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao là trên 56 nghìn ha; rau màu là 20,6 nghìn ha; cây ăn quả là 6,9 nghìn ha,...
Về chăn nuôi, đàn trâu bò có trên 48 nghìn con, đàn lợn 295 nghìn con, dê 21,3 nghìn con, gia cầm 6,77 triệu con... Về thủy sản, ngoài các con nuôi truyền thống, tỉnh còn phát triển nhiều con nuôi đặc sản như trắm đen, trạch sụn, ếch, rô đồng, ốc nhồi, tôm càng xanh, ngao, hàu, sò huyết,...
Hoạt động sản xuất, chế biến cũng được đầu tư phát triển với nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó chế biến rau, quả được xem là thế mạnh. Hiện toàn tỉnh có gần 200 cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 209 sản phẩm được xếp hạng OCOP, trong đó có 142 sản phẩm hạng 3 sao, 67 sản phẩm hạng 4 sao.
Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, năm 2024, toàn tỉnh đón 8,7 triệu lượt khách. Du lịch phát triển giúp kích cầu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.

Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản đã chia sẻ về năng lực, giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch. Ngược lại, các đơn vị du lịch cũng trao đổi về những yêu cầu, tiêu chuẩn để sản phẩm nông sản có thể đưa vào hệ thống.
Các đại biểu đều khẳng định, việc gắn kết trực tiếp giữa đơn vị làm ra nông sản và các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mà không qua khâu trung gian sẽ giúp tiết giảm chi phí, tăng thu nhập cho người bán đồng thời cũng nâng cao chất lượng thực phẩm đầu vào.
Nhiều đơn vị du lịch khẳng định sẵn sàng dành không gian để trưng bày các sản phẩm OCOP đặc sản của các địa phương để mỗi du khách đến với Ninh Bình không chỉ tham quan mà sẽ được thưởng thức đa dạng các đặc sản, đặc trưng văn hóa, ẩm thực của Ninh Bình và khắp các vùng miền Tổ quốc.
Dịp này, các đại biểu đã cùng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Chi hội Nhà hàng, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình với các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm, thủy sản, thực phẩm tỉnh Ninh Bình; ký kết giữa đại diện các doanh nghiệp thương mại các tỉnh với các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tỉnh Ninh Bình về việc đẩy mạnh, mở rộng tiêu thụ, đưa thương hiệu sản phẩm nông sản Ninh Bình vào hệ thống.