Cống ngầm khổng lồ giúp Nhật Bản giảm thiệt hại do lũ lụt, thiên tai
Tokyo nằm ở vùng trũng thấp và dễ bị ngập lụt trong mùa bão nên các nhà chức trách đã xây dựng công trình thoát nước chống ngập dưới lòng đất lớn nhất thế giới để giảm thiểu thiệt hại từ mọi loại thảm họa có thể xảy ra.
Là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới, Nhật Bản từ lâu đã quen với việc đầu tư vào việc bảo vệ chống lại các thảm họa thiên nhiên. Ngay cả khi đất nước đang phục hồi sau Thế chiến thứ hai, họ đã đầu tư 6 – 7% ngân sách quốc gia vào công tác phòng ngừa thảm họa.
Dự án kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị (G-cans) tại Nhật Bản có quy mô chưa từng có, quốc gia này đã mất 13 năm và tổng cộng 2 tỷ đô la để hoàn thành. Nằm sâu dưới thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo là một hệ thống cống thoát nước khổng lồ. Công trình thoát nước chống ngập này được xây dựng để bảo vệ 13 triệu cư dân của thành phố khỏi mưa lớn và cơn bão nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt thường tấn công Nhật Bản.
Hệ thống đường hầm bê tông này sâu 50 mét và dài 6,3km. Hệ thống G-cans là một cơ chế dẫn nước từ các khu dân cư bị ngập lụt vào năm bể trụ ngầm khổng lồ và sau đó xả ra sông Edogawa thông qua một hệ thống đường hầm ngầm nối các bể trụ lại với nhau.
Theo đó, khi xảy ra tình trạng ngập lụt, mực nước vượt qua độ cao của đê bao quanh các sông Nakagawa, Kuramatsu và sông Oootoshifurutone, nước sẽ tự chảy vào các bể trụ ngầm. Chiều cao của đê tràn được xây dựng chỉ gần bằng mặt đất thấp nhất gần đó nhằm bảo đảm hệ thống thoát nước có thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi xảy ra lũ lụt ở quy mô nhỏ.
Một thành tố cực kỳ quan trọng của hệ thống G-cans là năm bể trụ ngầm được đánh số từ 1 đến 5, đóng vai trò duy trì, kiểm soát dòng chảy lũ và kênh xả. Mỗi bể trụ này cao khoảng 70 m, đường kính khoảng 30m, đủ lớn để chứa một tàu con thoi hoặc tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ.
Trước khi xả ra sông, nước được chứa trong một bể chứa khổng lồ được xây dựng ở độ sâu khoảng 22m dưới mặt đất. Bể được thiết kế để thực hiện nhiều chức năng, bao gồm giảm lưu lượng nước đổ tới từ các đường hầm dưới lòng đất và dẫn nước xả ra sông Edogawa, đồng thời điều chỉnh áp lực nước vốn có thể thay đổi mạnh trong trường hợp máy bơm nước dừng hoạt động đột ngột.
Với chiều dài 177m, rộng 78m, bể chứa nước này lớn bằng hai sân bóng đá. Trần của bể chứa được nâng đỡ bởi 59 trụ có chiều dài 7m, rộng 2m, cao 18m, nặng 500 tấn mỗi trụ. Nếu nhìn từ dưới lên, bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào một cung điện uy nghi, thường hay xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại kỳ bí.
Trung bình mỗi năm, hệ thống G-cans được vận hành khoảng bảy lần, với lượng nước lớn nhất được xả ra là xấp xỉ 19 triệu m3 (trong thời gian xảy ra cơn bão số 17 và số 18 vào tháng 9/2015).
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, trong 18 năm kể từ khi được vận hành một phần vào tháng 6/2002, hệ thống này đã giúp giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra khoảng 148,4 tỷ yên.
Khi một cơn bão mạnh đổ bộ vào khu vực vùng Thủ đô Tokyo vào tháng 10/2019, văn phòng quản lý sông Edogawa đã vận hành tất cả các hệ thống thoát nước để giảm mực nước sông nhằm điều tiết khoảng 12,18 triệu m³ nước lũ, là mức lũ lớn thứ ba từng được ghi nhận đến thời điểm đó. Do đó, số lượng ngôi nhà bị ngập ở lưu vực sông Nakagawa/Ayase trong điều kiện lượng mưa nhiều hơn 1,1 lần so lượng mưa được ghi nhận trong trận lũ lụt xảy ra vào tháng 9/1982 đã giảm khoảng 90%, và mức thiệt hại giảm ước tính xấp xỉ 26,4 tỷ yên.
Hệ thống cống ngầm này cũng được xem là công trình kiến trúc khổng lồ dưới mặt đất với vẻ đẹp kỳ lạ và độc đáo. Chính vì thế, nó đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.