Cộng đồng Pháp ngữ: Từ chung ngôn ngữ đến cùng sứ mệnh
La Francophonie là tên gọi của cộng đồng các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ năm trên thế giới, sau tiếng Trung, Anh, Tây Ban Nha và Arab.
Nguồn gốc và sứ mệnh
Thuật ngữ Francophonie được ghi nhận lần đầu tiên năm 1880, trong tác phẩm “Pháp, Algérie và các thuộc địa" của nhà địa lý người Pháp Onésime Reclus (22/9/1837-30/6/1916). Khái niệm này bao hàm toàn bộ các dân tộc, các vùng nói tiếng Pháp trên thế giới.
Hơn nửa thế kỷ sau, vào thời hậu thuộc địa, các quốc gia mới giành được độc lập, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi có chung ý tưởng thành lập một tổ chức để kết nối, hỗ trợ lẫn nhau và bảo tồn tiếng Pháp giữa các nước này với nhau. Ý tưởng này khiến một loạt tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN, 1960), Hiệp hội các trường đại học sử dụng tiếng Pháp (AUPELF-UREF, 1961)…
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, hợp tác giữa các nước vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật. Năm 1962, nhà văn kiêm chính trị gia người Senegal Léopold Sédar Senghor, cùng với các nhà lãnh đạo Habib Bourguiba và Hamani Diori của hai quốc gia sử dụng tiếp Pháp khác là Tunisia và Niger, đã ủng hộ ý tưởng thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia nói tiếng Pháp. Sáng kiến này dẫn đến việc thành lập Cơ quan Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật (ACCT) vào năm 1970, tổ chức tiền thân của OIF.
Tháng 2/1986, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp François Mitterrand (16/10/1916-8/1/1996), Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của 40 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng Pháp ngữ. Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Romania, đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (Organisation Internationale de la Francophonie - OIF).
Từ Hội nghị cấp cao (HNCC) đầu tiên năm 1986 đến nay, OIF đã tổ chức 13 hội nghị. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức HNCC đầu tiên và duy nhất cho đến nay của OIF tại châu Á. Đây là Hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của OIF với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra Tổng thư ký đầu tiên của Pháp ngữ là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros Boutros-Ghali (người Ai Cập), đồng thời cho ra đời ý tưởng Pháp ngữ kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng.
Hiến chương Pháp ngữ được thông qua năm 1997 tại Việt Nam là văn bản pháp lý quy định nguyên tắc, mục tiêu, cơ cấu tổ chức và triển khai hoạt động cho toàn bộ tổ chức Pháp ngữ. Theo đó, OIF hoạt động dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa của mỗi dân tộc, giữ vị trí trung lập, không can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của các quốc gia thành viên.
Thành viên và bộ máy
Các thành viên của OIF bao gồm thành viên chính thức (các quốc gia mà tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi hoặc có tầm quan trọng đáng kể về văn hóa hoặc chính trị), thành viên liên kết (các quốc gia hoặc khu vực có mối liên hệ lịch sử hoặc văn hóa với thế giới nói tiếng Pháp) và quan sát viên (các quốc gia tham gia vào các hoạt động của OIF nhưng không có quyền bỏ phiếu).
Theo Hiến chương, OIF bao gồm các cơ chế chính là: (i) HNCC là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, diễn ra hai năm một lần để thảo luận về các vấn đề chính và đề ra đường lối, phương hướng hoạt động OIF và bầu Tổng thư ký theo thể thức “đồng thuận”; (ii) Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF): sau HNCC, CMF (gồm các bộ trưởng ngoại giao) là cơ quan cao nhất về phương diện chính trị họp mỗi năm một lần để thực hiện các quyết định của HNCC và (iii) Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), giám sát hành chính và bảo đảm các quyết định của HNCC được thực hiện.
Các thể chế và cơ quan thực thi trực tiếp bao gồm: (i) Tổng thư ký Pháp ngữ có nhiệm kỳ bốn năm, là đại diện chính thức OIF trên trường quốc tế và điều phối các hoạt động hợp tác đa phương của OIF; (ii) OIF gồm 88 Nhà nước và Chính phủ thành viên và quan sát viên thuộc năm châu lục để triển khai các chương trình hợp tác đã được thông qua tại các HNCC; (iii) Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF): là cơ quan nghị viện tham vấn của Pháp ngữ, nhằm thúc đẩy hòa bình, dân chủ, nhà nước pháp quyền, hợp tác vì sự phát triển bền vững, đoàn kết, đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, (iv) Các cơ quan thực thi trực tiếp các quyết định của HNCC, gồm: Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Kênh truyền hình quốc tế pháp ngữ TV5, Đại học Senghor d’Alexendrie, Hiệp hội các Thị trưởng hoặc người đứng đầu các thủ đô hoặc các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF). Nước Pháp là nước đóng góp chính của AUF và các tổ chức điều hành.
Thích ứng trong đa dạng
Khi mới ra đời, sứ mệnh của Pháp ngữ chỉ tập trung thúc đẩy hợp tác giáo dục, văn hóa và kỹ thuật giữa các quốc gia thành viên. Theo thời gian, cùng sự thay đổi của địa chính trị và nhu cầu đa dạng của các nước thành viên, chương trình nghị sự của tổ chức này mở rộng bao gồm đối thoại chính trị, xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế.
Hiến chương Pháp ngữ năm 1997 nêu rõ các mục tiêu của tổ chức là: (i) Phòng ngừa, quản lý và hỗ trợ giải quyết xung đột; (ii) thúc đẩy Nhà nước pháp quyền, dân chủ và nhân quyền; (iii) thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh; (iv) thúc đẩy đối thoại, tăng cường tình đoàn kết giữa các quốc gia thông qua hợp tác đa phương nhằm phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo;
Trên thực tế, thúc đẩy ngôn ngữ tiếng Pháp và sự đa dạng văn hóa là mục tiêu chính quan trọng hàng đầu trong sứ mệnh của OIF. Bên cạnh đó, giáo dục là trọng tâm quan trọng của OIF kể từ khi thành lập để cải thiện chất lượng giáo dục ở các quốc gia thành viên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, vai trò chính trị ngày càng gia tăng thông qua việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và pháp quyền ở các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực bình đẳng giới, quyền trẻ em và bảo vệ các nhóm công dân dễ bị tổn thương.
Do tình trạng bất ổn chính trị và xung đột gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia nói tiếng Pháp, đặc biệt là ở châu Phi, xây dựng hòa bình và phòng ngừa xung đột là những khía cạnh quan trọng trong công việc của OIF. Tổ chức này cung cấp các giải pháp hỗ trợ về mặt ngoại giao và hòa giải tại các khu vực xung đột và nỗ lực củng cố các thể chế quốc gia để ngăn chặn bạo lực bùng phát. Phát triển bền vững trở thành ưu tiên chính của OIF trong những năm gần đây, phản ánh sự tập trung toàn cầu vào biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). OIF hỗ trợ các quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước nhỏ và đang phát triển, trong việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển bền vững.
Giống như nhiều tổ chức quốc tế khác, OIF đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được các mục tiêu của mình. Đó là cân bằng lợi ích đa dạng về chính trị, kinh tế và văn hóa của các quốc gia thành viên để bảo đảm được sự đồng thuận, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như quản trị, nhân quyền và phát triển kinh tế. Mặt khác, mặc dù việc thúc đẩy tiếng Pháp là trọng tâm trong sứ mệnh của OIF, nhưng sự gia tăng của các ngôn ngữ toàn cầu khác, đặc biệt là tiếng Anh, lại đặt ra thách thức giữa việc cân bằng thúc đẩy tiếng Pháp với việc công nhận các ngôn ngữ khác trong bối cảnh toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu.
Việt Nam và La Francophonie
Việt Nam chính thức gia nhập ACCT (tổ chức tiền thân của OIF) từ năm 1979. Từ đó, Việt Nam lần lượt tham gia vào nhiều tổ chức khác thuộc Cộng đồng Pháp ngữ nhằm (i) triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (ii) tranh thủ sự hỗ trợ của Pháp ngữ, chủ yếu về kết nối với các đối tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên môn bằng ngôn ngữ tiếng Pháp và đào tạo tiếng Pháp (trong đó có sĩ quan Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc); và (iii) ủng hộ và tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy các giá trị về hòa bình, phát triển, đa dạng ngôn ngữ, văn hóa...
Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng Pháp ngữ tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch CPF năm 1996, Chủ tịch CMF (1996-1997), Chủ tịch HNCC (1997-1998), Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Hành chính của CPF (2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của AUF (2013-2017), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RESIFAP) nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2016, Chủ tịch Ủy ban kinh tế của CPF nhiệm kỳ 2019-2023. Bắt đầu từ tháng 3/2023, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban kinh tế của CPF.
Hiện nay, với sự tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của OIF.