'Cộng đồng hát cùng ukulele' - nơi tấu lên những giai điệu của lòng yêu thương, nhân ái
Những nụ cười hạnh phúc hòa cùng tiếng đàn, tiếng hát trong trẻo vang lên trong căn phòng nhỏ – đó là một buổi học thường ngày của 'Cộng đồng hát cùng ukulele', dự án âm nhạc do ca sĩ Hà Ny sáng lập. Họ đến từ nhiều nơi, mang theo những câu chuyện riêng nhưng cùng ngồi lại vì một điểm chung: được hát lên, được lắng nghe và được chữa lành.
Lê Nguyễn Hà Ny (SN 1987) sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật tại thành phố Kon Tum. Từ bé, cô đã dành phần lớn thời gian của mình để theo đuổi đam mê âm nhạc. Đến nay, khi trở thành một ca sĩ, Hà Ny tiếp tục viết tiếp đam mê của mình bằng việc sáng lập và ra mắt nhiều dự án âm nhạc ý nghĩa.
“Cộng đồng hát cùng ukulele” dành cho người lớn tuổi, người khuyết tật và mọi người yêu âm nhạc là dự án nhân dịp kỉ niệm tròn 10 năm Hà Ny đến Hà Nội sinh sống và làm việc. Không phân biệt tuổi tác, giới tính và hoàn cảnh, ở đây, âm nhạc trở thành sợi dây gắn kết, là liều thuốc xoa dịu những khoảng lặng trong mỗi người.
Với mong muốn đưa chất liệu âm nhạc nuôi dưỡng - âm nhạc thiền ca vào cộng đồng sống một cách gần gũi và thường nhật. Dự án là nơi mọi người được trở về là chính mình, cùng sự trong trẻo, thuần khiết trong mỗi bản chất - ai cũng được “Hiểu thương - Sẻ chia - Trân trọng - Nâng đỡ”.

Một buổi học thường ngày của “Cộng đồng hát cùng ukulele”.
Không đơn thuần mở ra một không gian học đàn, Hà Ny luôn nuôi dưỡng âm nhạc trong cộng đồng của mình bằng một triết lý rất riêng – nơi âm thanh không chỉ để nghe, mà còn để cảm. Với chị, âm nhạc không dừng lại ở vai trò giải trí mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn và đánh thức những xúc cảm tinh tế trong mỗi người.
“Theo thời gian, âm nhạc dần vượt khỏi khuôn khổ giải trí thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều người. Có những giai điệu nâng đỡ tâm hồn, giúp ta đứng dậy, vượt qua khó khăn và học cách yêu chính mình. Thay vì tìm niềm vui từ những thứ bên ngoài, âm nhạc có thể mang lại hạnh phúc từ chính nội tâm. Nó giúp ta hiện diện, trở nên tinh tế hơn, lắng nghe từng nhịp thở của chính mình” - Hà Ny chia sẻ.
Chính bởi niềm tin ấy, chị không đặt nặng việc học trò phải chơi đúng nốt, đúng nhịp, mà khuyến khích họ cảm nhận từng âm thanh, từng rung động phát ra từ cây đàn nhỏ bé. Ở lớp học này, không có ranh giới về tuổi tác, khả năng hay trình độ, chỉ có những con người đang dần học cách yêu bản thân và kết nối với nhau qua âm nhạc.
Từ cảm giác e dè ban đầu, chị Lan Anh (49 tuổi) dần cởi mở, kết nối với mọi người: “Khi biết đến lớp học ukulele của cô Ny, mình rất hào hứng nhưng cùng với đó là sự lo lắng vì bàn tay mình không được bình thường như mọi người, các ngón tay rất khó để bấm hợp âm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của cô, giờ mình đã chơi được một số bài đơn giản. Lớp học không chỉ giúp mình tự tin hơn mà còn khiến mình cảm thấy được thấu hiểu, không còn cảm giác mình là người khác biệt nữa”.

Chị Lan Anh tìm được sự đồng điệu qua cây đàn.
Cũng giống như Lan Anh, nhiều học viên khác đã tìm thấy sự đồng điệu và được chữa lành qua từng buổi học. Đối với Thục Nhi (47 tuổi), hành trình ấy lại bắt đầu từ sự buông bỏ áp lực. Từng học qua nhiều nhạc cụ như piano, violin hay cello, chị thường không hài lòng với tiếng đàn của mình, cảm thấy chưa đủ “hay” để yêu chính âm thanh mình tạo ra.
“Từ khi đến đây, mình học được cách yêu thương bản thân, tận hưởng âm nhạc mà không cần sự hoàn hảo. Mình trân trọng khoảnh khắc được ngồi đây, còn sức khỏe, còn mọi người để cùng chơi đàn. Có lẽ tiếng đàn không thay đổi, nhưng tình yêu thương khiến nó trở nên hay hơn trong lòng mình” - chị Nhi bày tỏ.
Không chỉ dừng lại trong những buổi học nhỏ gọn và ấm cúng, “Cộng đồng hát cùng ukulele" còn mang tiếng đàn, tiếng hát, tình yêu đến với trại hè dành cho các cháu mồ côi trên cả nước của gia đình Khát Vọng, biểu diễn từ thiện tại “Ngôi làng Giáng sinh” do khách sạn Marriott tổ chức. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động ngoài trời khác của nhóm vẫn luôn được duy trì hàng năm.

Buổi biểu diễn ngoài trời của lớp học đặc biệt.
Âm nhạc, với Hà Ny, không chỉ dành cho sân khấu mà còn hiện diện trong từng nhịp thở đời thường, khi làm việc, thư giãn hay đơn giản là lúc lắng nghe chính mình: “Hành trình mình đang đi thật may mắn khi luôn có sự ủng hộ của các thành viên từ mọi lứa tuổi trong cộng đồng. Mong mọi người đều tìm thấy giai điệu riêng cho bản thân, không cần hoàn hảo, chỉ cần đủ chân thành. Mình tin rằng ai đến với khóa học này cũng đã dành sự yêu thương cho chính mình rồi, mỗi sự yêu thương đó đều được nâng niu, gắn kết với nhau và lan tỏa đến nhiều người hơn”.
Không có bảng xếp hạng, không có những tràng pháo tay vang dội, lớp học ukulele vẫn rộn ràng bởi tiếng cười, ánh mắt sẻ chia và sự kết nối rất thật giữa người với người. Nơi đây không dạy cách trở thành một nghệ sĩ hoàn hảo mà là nơi nhắc mỗi người nhớ rằng: “Chỉ cần còn lắng nghe được trái tim mình, bạn đã có thể tạo nên âm nhạc”. Và đôi khi, một giai điệu cất lên từ sự bình dị lại có sức lay động hơn bất kỳ bài hát cầu kỳ nào, bởi nó xuất phát từ tình yêu thương và được nuôi dưỡng bằng sự đồng cảm.