Cộng đồng cùng tham gia bảo tồn di sản

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tạo nhiều điều kiện để người dân tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách chủ động, tích cực với nhiều hình thức khác nhau. Cách làm này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt...

Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các di sản đều được bảo vệ, phát huy giá trị hiệu quả. Riêng năm 2024, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu khách du lịch. Đây là một con số ấn tượng, cũng cho thấy hiệu quả và sự góp phần không nhỏ của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Hai bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh cưới với cổ phục Việt tại không gian Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VTV

Hai bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh cưới với cổ phục Việt tại không gian Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VTV

Vào những ngày cuối tuần, khu di sản Hoàng thành Thăng Long đón rất nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh trong trang phục cổ truyền. Nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn nơi đây để thực hiện bộ ảnh kỷ yếu, tạo nên không khí sôi động và đầy màu sắc.

Không chỉ thu hút người Việt, hoạt động mặc cổ phục chụp ảnh lưu niệm còn được du khách nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khi được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, chụp ảnh và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Cùng với đó, thông qua các hoạt động như tham quan có hướng dẫn, tổ chức lễ hội truyền thống, chương trình giáo dục di sản cho học sinh...đã tạo điều kiện để cộng đồng không chỉ hiểu hơn về giá trị lịch sử mà còn trực tiếp tham gia vào việc gìn giữ di sản.

Còn tại Hội An (Quảng Nam), người dân không chỉ sinh sống trong các ngôi nhà di sản mà còn tự gìn giữ kiến trúc, lối sống và tập quán truyền thống. Cùng với đó, mọi người cũng tham gia tổ chức các hoạt động trải nghiệm cùng khách du lịch như làm đèn lồng, dạy nấu ăn món địa phương, chèo thuyền thúng... vừa tạo sinh kế, vừa góp phần gìn giữ di sản văn hóa của cha ông.

Có thể nói, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), phố cổ Hội An (Quảng Nam) là những di sản văn hóa tiêu biểu cho thấy hiệu quả từ việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo: ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

“Trong đó, vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản – không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo. Rất nhiều mô hình cho thấy, khi người dân được trao quyền và tham gia thực chất, di sản có thể trở thành nền tảng cho phát triển sinh kế, bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng một cách bền vững” - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay không phải di sản nào cũng được bảo tồn hiệu quả, không phải địa phương nào cũng khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, bền vững. Đã có những nơi phát triển nóng du lịch dẫn tới quá tải, ô nhiễm, làm xói mòn giá trị nguyên gốc của di sản. Cũng có nơi, người dân địa phương - những người sống giữa di sản - lại chưa thực sự được lắng nghe, tham gia, hoặc hưởng lợi một cách công bằng từ các chính sách bảo tồn và phát triển.

Để khắc phục thực trạng này, một số chuyên gia đã đề xuất cần có những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn.

Trước hết là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về giá trị di sản; đồng thời, cần tạo điều kiện để họ tham gia vào quá trình quản lý, giám sát, tổ chức các hoạt động gắn với di sản. Đặc biệt, việc phân phối lợi ích từ du lịch di sản một cách công bằng cũng là yếu tố then chốt, giúp cộng đồng có động lực giữ gìn di sản.

Chia sẻ tại hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” - ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho biết cộng đồng địa phương không chỉ là những người hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản mà còn là bên liên quan chính và là người giám hộ các giá trị này.

“Lấy cộng đồng làm trung tâm nghĩa là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa và hưởng lợi về mặt kinh tế và xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản. Điều này bảo đảm tính bền vững lâu dài, cũng như phát triển kinh tế cho địa phương” - ông Jonathan Baker nhấn mạnh.

Mai Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-dong-cung-tham-gia-bao-ton-di-san-10306417.html
Zalo